Sản phẩm quảng cáo ‘thoát khỏi nám, tàn nhang’ là lừa dối khách hàng?

author 07:15 24/12/2021

(VietQ.vn) - Sản phẩm đang quảng cáo sai công dụng như điều trị khỏi nám, tàn nhang, mang lại làn da đẹp không tỳ vết... có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Trên nhiều website sản phẩm viên uống và tinh chất thảo dược, giới thiệu do đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu đang được quảng cáo như thuốc trị bệnh nám, tàn nhang.

Sản phẩm mang thương hiệu được giới thiệu có nguồn gốc kế thừa tinh hoa bài thuốc dưỡng nhan nức tiếng, do đó, là giải pháp loại bỏ tàn nhang, nám an toàn và hiệu quả. 

Theo tìm hiểu, bộ đôi sản phẩm viên uống, tinh chất bôi chiết xuất từ các thảo dược như đương quy, bạch thược... nhưng lại được tổ chức kinh doanh tung hô như “thần dược” trị nám, tàn nhang, loại bỏ các yếu tố gây nám da từ bên trong như nội tiết, khí huyết, nhiệt, thấp...

Mặt khác, tinh chất còn “nổ” giúp nuôi dưỡng từng tế bào từ thượng bì tới hạ bì, ức chế sự phát triển của melanin, giúp cho làn da khỏe hơn, chống lại các tác nhân từ môi trường...

Ngoài ra, để tạo hiệu ứng cho sản phẩm, tổ chức kinh doanh còn đưa ra một loạt số liệu chưa được kiểm chứng để quảng cáo sai công dụng bộ đôi này như: Khảo sát trên 1 nghìn nữ giới bị nám da, tàn nhang thì có tới 748 người khỏi nám, tàn nhang sau 1 liệu trình, 202 trường hợp khỏi từ 80-95%, chỉ có 50 trường hợp các vết nám, tàn nhang thuyên giảm so với ban đầu.

Lộ trình loại bỏ nám, tàn nhang cũng được giới thiệu rất chuyên nghiệp, trải qua các giai đoạn. Giai đoạn từ 7-15 ngày các sắc tố nám, tàn nhang đậm màu hơn do hiện tượng bung sắc tố; từ 15-30 ngày nám, tàn nhang mờ dần; sau 30 ngày sẽ được loại bỏ dần, da trắng sáng, đều màu, mịn màng, hiệu quả được duy trì.

Thế nhưng, những lời có cánh, những số liệu thống kê “ảo” liệu trình điều trị nêu trên đều không được kiểm chứng, người tiêu dùng rất dễ lầm tưởng.

Bởi, theo tìm hiểu, Cục ATTP - Bộ Y tế cấp cho Công ty chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có công dụng hỗ trợ bổ khí, bổ huyết, hỗ trợ tăng cường nội tiết... chứ không có tác dụng điều trị, chữa trị khỏi nám, tàn nhang như những quảng cáo “vống” nêu trên. 

Ngoài ra, Cục ATTP khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, không dùng cho người mẫn cảm với thành phần của sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng không nên tùy tiện mua sản phẩm này qua mạng sử dụng mà chưa thăm khám hay có sự chỉ định của bác sỹ.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, nhiều sản phẩm quảng cáo là trị liệu da liễu bằng y học cổ truyền. Với khẳng định này, người dùng hoang mang không biết tổ chức nào đã chứng nhận cho đơn vị chăm sóc, trị liệu da liễu hay chỉ là “ngộ nhận” đánh bóng tên tuổi để “bẫy” người dùng?

Thực tế, thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng những cơ quan bộ phận trong cơ thể chứ không có tác dụng chữa bệnh như nhiều người lầm tưởng. Theo các chuyên gia y tế, người tiêu dùng không tự ý sử dụng thực phẩm chức năng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, nếu tự ý sử dụng sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Thông qua nội dung nêu trên, dư luận đặt nghi vấn, nhiều sản phẩm  được tổ chức kinh doanh quảng cáo sai công dụng, vậy chất lượng sẽ như thế nào? Quá trình sử dụng sản phẩm không được như quảng cáo hay xảy ra rủi ro, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Pháp luật hiện hành quy định, việc dùng từ "nhất", "số 1" trong quảng cáo là hành vi cấm, trừ một số trường hợp nhất định. Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Bên cạnh đó, việc sản phẩm không có tài liệu hợp pháp chứng minh về chất lượng “số một” mà tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình quảng cáo gian dối để lừa gạt người tiêu dùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

 Nhóm PV

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:Hà Nội, Sài Gòn

tin liên quan

video hot

Về đầu trang