Bộ Tài chính- Đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc

author 16:38 03/03/2022

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây, tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc diễn ra tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc 

Bộ Tài chính cho biết, tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu tập trung chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Do mỗi địa phương phía Trung Quốc có quy trình tiêu chuẩn phòng chống dịch khác nhau, nên để đảm bảo việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với từng địa phương phía Trung Quốc, ngày 13/01/2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn giao Cục Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa bàn quản lý nghiên cứu, xây dựng “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh) ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có Công hàm gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đề nghị hai phía tạo thuận lợi và xây dựng các biện pháp hợp tác cụ thể như: trao đổi thông tin về các quy định thủ tục hải quan của mỗi bên, tiếp cận sớm về những đổi mới trong chính sách, chủ trương về hải quan; kéo dài thời gian thông quan tại các cửa khẩu quốc gia, song phương, thiết lập và duy trì các đường đây liên lạc giữa các đơn vị hải quan tại các cặp cửa khẩu... Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã nhất trí với quan điểm cùng nhau thúc đẩy xây dựng môi trường thương mại an toàn và tạo thuận lợi hóa thông quan của hai nước. 

Trên cơ sở đó, thời gian tới, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ nghiên cứu, xem xét khả năng ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa các cặp cửa khẩu biên giới giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa trong tình hình dịch bệnh/tình hình khẩn cấp. 

Đồng thời, để hỗ trợ, xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc phát sinh trong tháng 12/2021, Bộ Tài chính đã triển khai một số giải pháp để thúc đẩy thông quan nhanh; giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bảo quản hàng hóa thuận lợi, đặc biệt là hàng hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh… 

Nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường bộ, bên cạnh phương án do các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động nghiên cứu xây dựng giải pháp hỗ trợ, cảnh báo thông tin ùn tắc của phương tiện và hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Từ ngày 27/01/2022, Chức năng cảnh báo chống ùn tắc sẽ được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Theo đó, doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu và các cơ quan liên quan có thể sử dụng chức năng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để tra cứu lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu; qua đó đưa ra phương án điều tiết, điều chỉnh kế hoạch vận chuyển hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế. 

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng ùn tắc hàng hóa để vi phạm pháp luật 

Trước thông tin về những hành vi lợi dụng tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc để vi phạm pháp luật, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ của công chức hải quan; đảm bảo công chức hải quan không thực hiện, tiếp tay, bảo kê cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu  nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, quan tâm các giải pháp tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo công tác quản lý hải quan.

Theo Bộ Tài chính, trong công tác quản lý hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu, việc thực hiện quản lý phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có sự tham gia trực tiếp của nhiều lực lượng: Ban Quản lý cửa khẩu, Biên phòng, Hải quan,… Việc sắp xếp thứ tự các phương tiện vận tải chuyên chở hàng nông sản xuất khẩu trong khu vực cửa khẩu là do lực lượng Biên phòng và Ban quản lý của cửa khẩu thực hiện, Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện công tác đăng ký tờ khai, thực hiện giám sát hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ nộp  duy nhất 01 khoản tiền lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật do Kho bạc nhà nước thu (20.000 đồng/tờ khai).

Theo phân luồng làm thủ tục Hải quan, trên cơ sở các biện pháp quản lý rủi ro trong nghiệp vụ của Hải quan thì hầu hết các lô hàng nông sản xuất khẩu đều thuộc luồng xanh, không phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức hải quan phải thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid - 19 trong khu vực cửa khẩu nên công chức hải quan không tiếp xúc, làm việc trực tiếp với lái xe mà thực hiện thủ tục hải quan với người khai hải quan.

Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, các Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không có việc chỉ đạo, tiếp tay của lãnh đạo, công chức hải quan cho các hoạt động cho các hoạt động “luật ngầm”, chưa phát hiện có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực trong việc xếp “lốt”, chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu- Bộ Tài chính khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang