Bộ Tài chính lý giải tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm thấp

author 06:32 31/03/2023

(VietQ.vn) - Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công được trên 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).

Chiều 30/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2023 để thông tin về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước và giải đáp những vấn đề được dư luận quan tâm. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề của ngành tài chính đã được nêu ra, như: tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thuế thu nhập cá nhân, thuế tối thiểu toàn cầu, vấn đề ngân hàng bắt tay với bảo hiểm ép khách hàng mua bảo hiểm mới cho vay tiền, hóa đơn điện tử…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý 1/2023 

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm thấp

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công được trên 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thấp hơn cùng kỳ năm trước là 11,88%.

Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng đầu năm chưa cao là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán, đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.

Đối với vốn nước ngoài, do nhiều dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ, Bộ Tài chính đã bố trí vốn cho các dự án đã có trong kế hoạch, các thủ tục hành chính kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước cũng được Bộ quy định minh bạch, rõ ràng, có thời hạn xử lý công việc cụ thể.

Gần 400 phản ánh đến đường dây nóng về việc ép mua bảo  hiểm

Về vấn đề liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm, ông Doãn Thanh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, sau hơn 1 tháng công bố đường dây nóng (gồm số điện thoại, email) tiếp nhận nhanh thông tin phản ánh thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã cử cán bộ trực tiếp nhận thông tin, phân loại và xác minh thông tin, từ đó gửi đến các cơ quan liên quan giải quyết.

Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp BH và hiện đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Sau khi có kết luận, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã tổ chức 4 đoàn thanh tra về bán bảo hiểm qua ngân hàng, đã phát hiện ra những sai phạm nhất định, sẽ sớm công bố kết luận thanh tra, hướng dẫn xem xét giải quyết theo thẩm quyền- ông Tuấn cho hay.

Hơn 3 tỷ hóa đơn điện tử được phát hành

Liên quan đến kết quả triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện hệ thống hóa đơn điện tử của ngành thuế đã có trên 3 tỷ hóa đơn được phát hành. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đây là thành tích đáng ghi nhận nhưng cũng tạo sức ép rất lớn về mặt quản lý đối với cơ quan thuế, đặc biệt là  quản lý rủi ro về hóa đơn điện tử.

Vì vậy, Tổng cục Thuế đang khẩn trương thực hiện các giải pháp trong trong công tác phân tích thông tin đánh giá nhà đầu tư có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn để áp dụng thống nhất trong quản lý hóa đơn điện tử.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành thuế đã tăng cường kiểm soát tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh đối chiếu thông tin giữa hóa đơn và tờ khai giá trị gia tăng, đảm bảo doanh nghiệp khai đúng, đủ, không trì hoãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, phục vụ kiểm soát thông tin hóa đơn điện tử để các dấu hiệu cảnh báo sớm và phát hiện hiện tượng sử dụng hóa đơn điện tử sai quy định, để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc áp dụng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong sử dụng hóa đơn, nhằm phát hiện các trường hợp rủi ro cao phải kiểm tra, thanh tra. Dự kiến triển khai đầu tháng 5/2023.

Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát, thông qua hệ thống hóa đơn điện tử và dữ liệu lớn (big data) của ngành thuế để phân loại nhằm đưa ra các trường hợp cần giám sát, kiểm tra thường xuyên để phát hiện trường hợp rủi ro nghi ngờ gian lận hoàn thuế (theo mặt hàng, theo trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng rủi ro, có hồ sơ hoàn…).

17 nhóm giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân

Đối với phản ánh về việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, Tổng cục Thuế đã triển khai khảo sát, đánh giá và đã có báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ 17 nhóm giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Hiện Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội chấp thuận việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025 theo đúng trình tự Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ.

Trong đó, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026)- ông Đặng Ngọc Minh thông tin.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang