Bỏ tiền mua chất lượng giáo dục!

author 11:29 20/11/2012

(VietQ.vn) - Tại các trường ĐH có hình thức “tự chủ” nhưng phân bổ ngân sách Nhà nước chưa gắn với nhu cầu đào tạo, nhiều bất cập trong cơ chế tài chính dẫn đến “thu không đủ chi”. Đã đến lúc, giáo dục phải được coi như là một dịch vụ và phải “tính đủ” các chi phí.

Tự chủ nhưng thu không đủ chi!

Theo TS. Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), chính sách học phí của nước ta đã được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP với mức điều chỉnh theo lộ trình tăng dần từ 20-25%/năm. Tuy vậy, theo tính toán đến năm 2015 mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng được từ 40-50% chi phí đào tạo cần thiết. Trong khi đó, việc đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục vẫn “cào bằng” theo chỉ tiêu đầu vào, không phân biệt ngành nghề đào tạo.
 
Hiện có 6 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thực hiện thí điểm tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên là: Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Hà Nội, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh và Viện Đại học Mở Hà Nội. Sau hơn 4 năm thí điểm đã thực hiện tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên, tuy nhiên, việc tự chủ chưa thật sự đầy đủ nên phần nào hạn chế tính chủ động. 
Cơ chế tài chính của ngành Giáo dục đang gặp bất cập
Cơ chế tài chính của ngành Giáo dục đang gặp bất cập
 
PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cũng nêu lên nghịch lý, nhiều trường ĐH được tự chủ về tài chính nhưng không được tự xác định mức học phí, vẫn phải tuân thủ mức trần học phí, vốn rất thấp được quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, các trường không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực và tình hình thực tiễn của mình. Với những trường tự chủ một phần, nhà nước còn thực hiện cơ chế khoán ngân sách cho từng trường, với mức khoán chưa gắn với nhiệm vụ được giao, chất lượng đào tạo và sản phẩm đầu ra. 
 
Do đó, chất lượng của nhiều trường ĐH đi xuống do không giữ chân được đội ngũ giảng viên giỏi do chi phí cho mỗi tiết dạy quá thấp, lại bị “đóng khung” giới hạn. Mức “khung” chỉ vài chục nghìn đồng cho một tiết dạy hiện nay là quá ít ỏi và khó thu hút được những giảng viên có trình độ chuyên môn cao, tu nghiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên, muốn chi trả thêm cho giảng viên thì lại bị “bó hẹp” vì chưa có cơ chế tài chính, trường không đủ ngân sách. 
 
Trong khi đó, không ít gia đình có điều kiện, khá giả lại phải đưa con em mình đi du học bên nước ngoài tốn kém hàng tỉ đồng mỗi năm do “thiếu tin tưởng” vào chất lượng đào tạo và bằng cấp của các trường ĐH tại Việt Nam. GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, đưa ra tính toán, suất chi thường xuyên tính trên một đầu sinh viên Việt Nam hiện thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và thế giới. Với mức lương trung bình giảng viên hệ ĐH quá thấp (2,55 triệu đồng năm 2011 và dự kiến 5,1 triệu đồng năm 2015). Tới năm 2015, giảng viên giỏi có thể sẽ chuyển nghề hoặc chuyển sang các trường tư thục hay các trường có đầu tư nước ngoài. 
 
Phải “tính đủ” cho giáo dục
 
Việc mở rộng quyền tự chủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với nhóm các cơ sở GDĐH công lập có đào tạo các chuyên ngành có nhu cầu cao trên thị trường là vấn đề cần tính đến.
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bà Nguyễn Thị Minh cho biết, bên cạnh những thành quả tích cực mang lại, cơ chế tài chính hiện nay đối với giáo dục đại học vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp với các chủ trương về phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới. 
 
Theo định hướng dự kiến đổi mới tới đây, chi phí cho giáo dục Đại học (GD ĐH) phải được tính đủ. Ví dụ chi phí cho một sinh viên y khoa chẳng hạn, tính đủ là 50 triệu đồng/năm; sinh viên kinh tế là 30-40 triệu đồng. Lương giáo viên tăng nhưng chất lượng giáo dục không tăng kịp với tốc độ đó, bởi lẽ lương tăng nhưng phần ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng không nhiều. 
 
Hơn nữa, nếu so với các trường ĐH dân lập, hoặc các trường liên kết với nước ngoài thì mức lương cho giảng viên vẫn quá thấp. Do đó, cơ chế tài chính cho giáo dục cần phải phân hoá, tránh tình trạng “cào bằng” như hiện nay. Đối với những trường có nguồn thu mạnh, hoặc đào tạo những ngành mà xã hội có xu hướng thu hút đông sinh viên như: công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng…thì cần tăng cường xã hội hóa, thay vì dựa vào ngân sách nhà nước. 
 
Đối với sinh viên không thuộc diện ưu tiên, có điều kiện muốn hưởng chất lượng GD thì bỏ tiền lớn hơn trước để có được chất lượng cao.  Con em gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa, người nghèo… thì nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên có đủ kiến thức vào học; đối với những ngành nghề thuộc khoa học cơ bản, những nghề nhà nước cần nhưng xã hội, người học không có nhu cầu thì nhà nước sẽ đặt hàng cho các trường và cấp kinh phí để đảm bảo không mất cơ cấu ngành nghề đào tạo.
 
Mai Vũ
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang