Có một “ông Điện lực” trong ngành giáo dục!
Lời Tòa soạn: Việc chậm trễ trong việc mã hóa các sách tiếng Anh bậc tiểu học đã khiến hàng triệu học sinh bỏ lỡ cơ hội được học ngoại ngữ, với cách phát âm chuẩn. Đằng sau điều đó là sự độc quyền trong việc in sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Vì đâu doanh nghiệp này được hưởng đặc ân đó bao nhiêu năm nay.
Chất lượng Việt
GS Nguyễn Xuân Hãn. Ảnh: TTXVN |
Lãi “khủng”
Năm 2001, tổng số xuất bản phẩm và phát hành là 237 - 760 triệu bản, với tổng doanh thu là 1.705 tỷ đồng (Cục xuất bản của Bộ Văn hoá thông tin nhân kỉ niệm 50 ngành xuất bản, công bố 2003). Số lượng của NXB Giáo dục là 200 triệu bản, (8 tỷ đồng tiền tem chống in lậu, giá tem 40đ/cái) chiếm 84,1% tổng số xuất bản phẩm của cả nước. Làm phép tính đơn giản, doanh thu của NXB Giáo dục khoảng 1434,2 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD/năm vào thời gian đó. Năm 2004 theo Tổng cục thống kê Nhà nước, số tiền người dân bỏ ra là 2.000 tỷ đồng để mua sách học.
Nhìn ra thế giới, không có bất cứ nước nào, mà tỷ lệ sách giáo dục in ấn hàng năm tăng tới hai con số. Vòng đời sách giáo khoa (SGK) ở các nước đều có chế tài sử dụng ít nhất 10 năm hay lâu hơn, mới được thay. SGK là tài liệu quan trọng, mang tính pháp lý trong dạy và học. Có ổn định được chương trình SGK chuẩn mực, giáo dục mới ổn định và phát triển. Khác với các nước, chương trình giáo dục và SGK ở nước ta đang là một thách thức lớn hơn 30 năm qua.
Từ năm 2002-2003 việc thay SGK ở bậc phổ thông được tiến hành theo kiểu cuốn chiếu, bắt đầu bằng ba khúc: lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Dự kiến đến năm 2007 sự thay đổi này hoàn thành. Nhưng năm 2003, chương trình phân Ban gặp sự cố, Quốc hội đã cho phép dừng lại 2 năm để Bộ nghiên cứu lại, nên phải đến năm 2009 hoàn thành. Kinh phí cho dự kiến đợt thay sách này theo số liệu đã công bố là 32.000 tỷ đồng – hơn 1,5 tỷ USD.
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ NXB Giáo dục Ngô Trần Ái tặng hoa Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 của đơn vị này, với sự tham gia của 500 đại biểu |
Chỉ tính riêng với môn Tiếng Việt, tiền lãi thay SGK đã là con số rất lớn. Sách tiếng Việt có 2 tập. Giá một tập là 9.800 đồng. Số học sinh vào lớp 1 là 1,7 triệu em. Doanh thu riêng việc thay sách môn học NXB Giáo dục hơn 33 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, trừ tiền giấy in ấn và phát hành, thì tiền lãi một môn học thu khoảng 30 tỷ đồng hơn 2 triệu USD, cho lần xuất bản đầu tiên năm 2002.
Xin lưu ý, vì là thay sách, nên con số 1,7 triệu em phải mua là chuẩn, còn NXB Giáo dục chỉ ghi 300.000 cuốn ở bìa sách, và khi tính tiền thù lao chỉ 128.000 cuốn là không đúng với thực tế.
Việc cung cấp miễn phí cho con gia đình chính sách, hỗ trợ SGK cũ và thư viện của NXB Giáo dục là việc làm đáng hoan nghênh, nhưng tổng số tiền 16,5 tỷ đồng cũng chỉ là con số nhỏ.
Kể từ năm đó đến nay, NXB Giáo dục năm nào cũng tái bản môn học này, và thu lợi. Năm 2008, giá bìa môn Tiếng Việt, hai tập là 21.400 đ/ bộ, số lượng in là 240.000 cuốn (chắc là còn xa con số thực tế) số tiền thu được 5,136 tỷ đồng, và NXB Giáo dục hàng năm thu lợi.
Mỗi năm, NXB Giáo dục in mới vài chục tựa sách cho việc thay SGK ở các cấp, và tái bản hàng trăm tựa sách. Tiền lãi hàng năm, qua nghiên cứu nhiều năm và ước đoán của tôi, là vài trăm tỷ đồng /năm, chứ không phải xấp xỉ 50 tỷ đồng/năm. SGK chưa dùng được một vòng 10-12 năm, gần đây lại có dự kiến thay SGK vào sau năm 2015, với kinh phí 70.000 tỷ đồng – khoảng 3,5 tỷ USD.
Thừa sách phổ thông, thiếu sách đại học
Cơ cấu các loại sách bất hợp lý: sách phổ thông làm học sinh bội thực; ngược lại đói sách học chay ở bậc ĐH là nghịch lý 25 năm đổi mới vẫn chưa giải quyết được. Tỷ lệ sách ĐH trên sách phổ thông khoảng 1/100!?
Mặt khác, ở rất nhiều nước, SGK ở bậc phổ thông được cung cấp miễn phí cho học sinh, tại sao Việt Nam còn nghèo mà người dân phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho việc mua SGK? Điều này thật phi lý. Cách làm chương trình, SGK trong 32 năm qua có vấn đề, chưa nói là sai từ gốc tư duy. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo sự bất cập này nhưng cơ quan có trách nhiệm vẫn bỏ qua.
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, nên giảm 50% kiến thức trong SGK hiện nay. Ảnh: SGGP |
Chương trình SGK là linh hồn của nền giáo dục, song cách quản lý ở ta có nhiều bất cập. Chính phủ vẫn giao việc làm SGK cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng lại giao tiếp cho NXB Giáo dục. Vô hình chung, NXB Giáo dục thực thi nhiệm vụ của cấp trên, trong khi nhiệm vụ cơ bản của cơ quan này là kinh doanh, càng nhiều lợi nhuận càng tốt.
So với mặt bằng giáo dục chung của các nước, nội dung trong SGK của ta được chuyển từ ĐH xuống bậc phổ thông là quá nặng. Nên giảm một nửa khối lượng kiến thức SGK hiện nay.
Việc hàng trăm ngàn học sinh nghỉ học hiện nay đang là một vấn nạn, mà một trong những nguyên nhân sâu xa chính là chương trình nặng, SGK quá tải. Để chuyển tải được chương trình hiện nay, nhiều học sinh phải học thêm với số tiền bỏ ra rất lớn.
Phá bỏ sự độc quyền như thế nào?
Nếu chúng ta có bản thảo SGK chuẩn, đúng khoa học, Quốc hội ra chế tài sử dụng chương trình, SGK ít nhất 10 năm như tất cả các nước khác trên thế giới, thì việc xóa bỏ độc quyền xuất bản cũng không cần thiết phải đặt ra.
Cách nào để trẻ hứng thú đọc SGK? |
Chương trình, SGK chuẩn được sử dụng ổn định sẽ đỡ tốn kém cho dân rất nhiều. Vấn đề đã đặt ra từ lâu là phải sớm có chương trình, SGK chuẩn, nó phải là công trình khoa học mang tầm cỡ quốc gia. Lý giải việc không làm đươc chương trình và SGK chuẩn hàng chục năm nay một ông nguyên Viện trưởng Viện KHGD đã phát biểu, Viện đã nghiên cứu nhiều năm khái niệm “chuẩn kiến thức”- cái thước tre – mà người nông dân sử dụng để xây nhà, song rất tiếc tìm mãi không ra?
Trong khi đó “một số nhà khoa học nêu ý kiến có thể giải quyết vấn đề chương trình và SGK chuẩn cho cả phổ thông lẫn đại học trong vòng một năm và kinh phí 100 tỷ đồng“ (Bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên tất cả các tờ báo lớn từ Trung ương đến địa phương ngày 10-09-2007 nhưng hình như nhiều lãnh đạo chưa đọc? ).
Vấn đề cốt lõi vẫn là con người và tổ chức. Người chúng ta có, song phải biết chọn dùng.
Chúng ta phải có một Hội đồng biên soạn cấp Trung ương, được tham khảo sách của nước ngoài, kế tục những gì tốt trong nước để có bản thảo chuẩn về chương trình. Nếu để cho nhiều cá nhân, tập thể tác giả khác nhau cùng biên soạn dễ dẫn tới hỗn loạn về học thuật.
Một chương trình, trên thế giới chỉ có thể có vài cách biên soạn SGK khác nhau chứ không phải là vô hạn. Bộ SGK chuẩn phổ thông phải thoả mãn các tiêu chí phổ thông về kiến thức, ngôn ngữ và cách trình bày. Bộ SGK này được coi là sách chuẩn Quốc gia khi còn các kì thi Quốc gia. Các bộ còn lại được coi như sách tham khảo. Điều này khác xa với tư duy thông thường, hai người khác nhau, không hẳn đã viết được hai bộ SGK khác nhau.
Vì đây là học thuật, tri thức khoa học của cả nhân loại, theo văn bản này, nếu mỗi tỉnh, mỗi nơi, mỗi cá nhân một bộ thì loạn hết cả lên, ai muốn viết thì viết. Điều này ai cũng nhớ vào những năm 50 của thế kỷ trước, tại Trung Quốc có phong trào toàn dân đúc thép. Ai cũng đúc thép, nhưng thực tế việc này đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần sai một chút là thép thành ra gang rồi và thực tế, thời gian đó toàn có gang, thật ngoài ý định tốt đẹp ban đầu!
Cách biên soạn SGK của ta hiện nay “chẳng giống ai” vì chưa rõ đâu là kho tàng kiến thức chung của nhân loại, đâu là phần kiến thức riêng của mình, đặc biệt cách làm nào là chuẩn về học thuật.
Thực tế, tất cả các nước dù là nước phát triển, hay đang phát triển, thậm chí có nước còn lạc hậu cũng đều có chương trình và SGK chuẩn của riêng mình, sau khi tốt nghiệp phổ thông họ vào Nga, Mỹ, và các nước tiên tiến học đại học.
Điều này chứng tỏ tồn tại một mặt bằng chuẩn về kiến thức. Các bộ sách mà thế giới đang dùng là rất chuẩn, việc nghiên cứu, và vận dụng sáng tạo vào nước ta không quá khó và mất nhiều thời gian, nếu biết chỉnh sửa một ít về các môn xã hội, văn hoá.
Hơn nữa, chúng ta nói “biên soạn” SGK, chứ không ai nói ”sáng tác” SGK. Biên soạn là phải có SGK chuẩn, tham khảo. Các tác giả, nhiều người rất giỏi, nhưng không được cung cấp đầy đủ sách chuẩn, nên SGK mới có quá nhiều sai sót, phải chỉnh sửa liên miên và in lại hàng năm. Cách làm sách của ta, chỉ có thể hiểu được, nếu xuất phát từ góc độ văn hoá tiểu nông, và nó không phải là khoa học.
Cách thẩm định chương trình SGK cũng sai quy trình khoa học, cũng tư duy theo cách “tiểu nông”. Đáng lý Chương trình SGK phải làm xong trước, từ lớp 1 đến lớp 12, sau mới tiến hành thẩm định. Việc thẩm định kiểu du kích, “vừa chạy vừa xếp hàng”, biên soạn đến đâu, thẩm định đến đó, và triển khai vào trường học.
Không ai, kể cả những người có trách nhiệm, hình dung được “tổng thể” chương trình giáo dục. Mọi so sánh có thể khập khiễng, nhưng có thể chọn một hình ảnh, để tiện hình dung ra bản chất vấn đề. Hôm nay, ta thẩm định “cái tay” cô hoa hậu, ngày mai đến “cái chân”, còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể như thế nào, thì không ai hình dung được!
Chỉ cần vài tháng là "phá" được thế độc quyền
Từ năm 1945 đến nay, chúng ta có 5 lần thay đổi chương trình và chuẩn bị biên soạn SGK. Bộ SGK đầu tiên do GS Hoàng Xuân Hãn đứng đầu, việc biên soạn hết 2 tháng, chương trình này được áp dụng tại miền Bắc trong vòng 10 năm còn ở miền Nam là 27 năm. Lần hai do GS Nguyễn Văn Chiên, GS Hoàng Tuỵ và nhà giáo Lê Hải Châu, làm trong 6 tháng và được sử dụng trong 35 năm…
Người ta nói “con hơn cha là nhà có phúc” ! Trước đây có nhiều khó khăn thế mà thế hệ cha anh đã biên soạn ra những bộ sách có thể sử dụng được rất lâu. Hiện nay thế hệ chúng tôi được đào tạo bài bản ở những nước phát triển mà lại không làm được những việc ma thế hệ trước đã làm, thì đất nước khó mà phát triển
Còn hiện nay, với sự thuận tiện của phương tiện khoa học kỹ thuật, chúng ta không có lý gì lại không có bộ SGK chuẩn cho các em.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn
(ĐH Quốc gia Hà Nội)