Từ phóng viên vô cảm đến nền giáo dục... hóc xương gà

author 07:51 14/10/2012

(VietQ.vn) – Với các em, quanh Hồ Tây là nơi hết giờ học có thể chia nhau đĩa ốc luộc, quả ổi, cánh gà nướng, chân gà luộc..., tại sao người lớn chúng ta cứ bắt các em hiểu canh gà Thọ Xương là gà gáy sang canh cách đây hàng 100 năm?

Khi ông bố cổ hủ

Cầu vồng của trẻ thơ. Ảnh: internet
Cầu vồng của trẻ thơ. Ảnh: internet

Nhớ hồi cu Luck (con trai tôi) đi học vỡ lòng bên Mỹ. Cô giáo ra bài, hãy vẽ cầu vồng. Ở thành phố biết cái cầu tròn méo như thế nào, bố ấy vẽ luôn hai trụ, một vạch nối ở giữa và đề “Cầu Vồng”.

Cô vẫn chấm điểm “Good – 8”.

Nghĩ là giáo dục Mỹ bị “hóc xương gà”, lão bố lầm bầm, tưởng giỏi và hiện đại, hóa ra cũng…dốt.

"Tai nạn nghề nghiệp"

Mấy ngày nay, báo chí rộn lên về một cô giáo cho điểm 8 một bài viết của học sinh bình mấy câu ca dao nổi tiếng viết về Hồ Tây (Hà Nội)

"Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương  /Mịt mờ khói toả ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ".

Phụ huynh bất ngờ khi thấy con mình viết “canh gà Thọ Xương” là món “canh gà” của Hà Nội.

Chuyện này không lạ. Thời xưa, tôi cũng từng hiểu “canh gà” là món canh nấu thịt gà vì tiếng Việt rắc rối, đồng âm khác nghĩa. Đi học đói khát, nghe canh gà, tiết vịt là chảy nước dãi. Như vua hề Sác - Lô đi tìm vàng, đói quá, nhìn ông bạn hóa con gà tây thì sao.

Chuyện quá nhỏ mà phụ huynh kiện, báo chí “đánh hôi”, bạn đọc chế giễu, dù cô Thủy đã giải trình “Có một số học sinh hiểu sai “canh gà Thọ Xương” là món canh của Hà Nội, tôi đã trừ điểm…Tôi đã trực tiếp nhắc các em trên lớp về sửa lại lỗi sai này”.

Dư luận vẫn không tha, cho rằng cô dốt nát, không đủ tư cách đứng trên giảng đường.

Kết quả, cô phải đâm đơn nghỉ việc sau áp lực nặng nề tứ phía. Về quê, tắt điện thoại di động và hiện không biết ở nơi nào. Chắc là nàng khóc hết nước mắt.

Các em học sinh ngơ ngác, nhớ cô, lập Facebook, lên internet, kêu tha thiết “cô hãy về với chúng em”.

Ai từng làm giáo viên sẽ hiểu, làm nghề này không đơn giản.

Một lớp 50 học sinh, nộp 50 bài văn, mỗi bài vài trang, nhân lên khoảng 200 trang, bằng một cuốn sách gồm 50 truyện ngắn mà phải đọc trong vài tiếng,  nhận xét, cho điểm. Các truyện cùng nội dung, đầy lỗi chính tả và ngữ pháp, câu  lủng củng, chữ tát đánh chữ tộ,  viết như gà bới.

Chấm 10 bài đầu còn đọc kỹ, duyệt lỗi, chi li từng câu chữ. 10 bài tiếp là có vấn đề vì mắt hoa và 30 bài còn lại coi như "tháo khoán". Bỏ qua lỗi “canh gà” là không thể tránh khỏi.

Hồ Tây nay khác xưa

Chuyện nhầm lẫn này còn có nguyên nhân khác. Học đi đôi với hành. Liệu học sinh của ta có được đi thực tế để so với những gì viết trong văn thơ?

Lên hồ Tây bây giờ, thấy cành trúc la đà chỗ nào, có nghe gà gáy sang canh, chày Yên Thái giã giấy hay mặt gương Tây Hồ mịt mù khói tỏa mộng mơ?

Hồ Tây có còn tiếng gà Thọ Xương? Ảnh: internet
Hồ Tây có còn tiếng gà Thọ Xương? Ảnh: internet

Hay là thấy nhà cửa nhấp nhô, cái cao, cái thấp, thò ra thụt vào, nửa tây nửa ta, nửa Á, nửa Âu, pha chút kiến trúc đạo Hồi, đôi khi thêm củ hành nước Nga trên nóc…Những kẻ câu trộm cá cởi trần trùng trục tha hồ làm mưa làm gió. Có dám chắc là mặt gương Tây Hồ trong thi ca?

Làng Yên Thái đâu còn ai giã giấy mà nghe được tiếng chày. Đất cát bán hết đất rồi, lấy đâu chỗ làm giấy mà có tiếng chày.

Có người vẫn làm giấy, nhưng là thu giấy vụn từ mọi nguồn, kể cả giấy vệ sinh đã qua sử dụng, mang về nghiền ra, rồi làm thành giấy lau miệng. Loại giấy ấy không cần chày giã.

Làng quanh Hồ Tây đã bị đô thị hóa, "nham nhở như Thị Nở", làm gì còn chỗ nuôi gà, để đêm đến nghe được tiếng gà gáy mà gọi là “canh gà”. Thay vào đó là nhà hàng từ hải sản đến thú rừng, gà đồi Vĩnh Phú, gà chân chì hay gà ri thả rông.

Thế hệ ngày nay lên phía Hồ Tây liệu có tưởng tượng ra nơi mà cố thi nhân đi qua cách đây cả thế kỷ và viết nên những áng thơ để lại cho muôn đời.

Với các em, quanh Hồ Tây là nơi hết giờ học có thể chia nhau đĩa ốc luộc, quả ổi, cánh gà nướng, chân gà luộc, lê la nhìn những kẻ bắt cá trộm văng tục chửi thề. Trong bối cảnh như thế, tại sao người lớn chúng ta cứ bắt các em hiểu canh gà Thọ Xương là gà gáy sang canh cách đây hàng 100 năm?

Đó là vết mòn trong giáo dục, trong gia đình, đầu óc cố hữu và bảo thủ, không chịu nhìn vào thực tế mà dạy dỗ các em. Một nền giáo dục theo khuôn mẫu: văn mẫu, toán mẫu, người mẫu, chỉ tội ra đời là hết cả mẫu mực!

Mải đi theo lối mòn nên học sinh viết khác đi chút là không thể chấp nhận được. Một học sinh phản hồi về Tấm Cám, là Tấm thật ra rất độc ác, giết cả em và gì ghẻ rồi làm mắm ăn, hay em khác lên án tại sao người mẹ – chị Dậu lại bán con. Cả xã hội lên án ầm ầm và nghi ngờ thế hệ tương lai.

Để các em hiểu “canh gà Thọ Xương” là món canh nấu thịt gà thì chẳng chết ai, vì nó thực tế với Hồ Tây bây giờ, vì cái tiếng Việt nước mình nó thế.

Hãy để không gian cho các em tự do sáng tạo, quan sát Hồ Tây và chiêm nghiệm với thơ ca theo cách hiểu của tuổi thơ.

Cầu vồng của học sinh vỡ lòng

Kết thúc, tôi xin kể tiếp về cuộc gặp với cô giáo vỡ lòng của cu Luck. Tôi băn khoăn tại sao cho điểm good (tốt) về cái cầu vồng mà không phải…cầu vồng.

Cô giáo cười, anh nên để trẻ vẽ theo những gì mà chúng cảm nhận. Tại sao cầu vồng phải có bẩy sắc, có lúc chỉ thấy vài mầu thì sao. Mầm mống của sáng tạo và thiên tài được phát huy khi bản ngã và tự do cá nhân được tôn trọng.

Một lần đi câu cá ở vịnh Chesapeak, trời mưa chiều, cả nhà reo lên khi thấy cầu vồng. Từ đó, cu Luck biết vẽ cái cầu đa sắc mầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.

Lúc ấy tôi mới hiểu, chính lão bố mới cổ hủ, được giáo dục trong môi trường “không thể chấp nhận cầu vồng không có mầu”, “canh gà nhất định phải là gà gáy” mà không thể là món xúp gà mà bọn trẻ yêu thích.

So sánh giáo dục Mỹ và nước mình không biết anh nào đang “hóc xương gà”?

Hiệu Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot