Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ đặt nền tảng CMCN 4.0

author 13:29 13/07/2018

(VietQ.vn) - Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 khai mạc sáng nay (13/7), Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã có báo cáo quan trọng mở đầu chuỗi chuyên đề của Diễn đàn.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

CMCN 4.0 đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam

Trong bài báo cáo “Đánh giá năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam và đề xuất các cơ chế, chính sách” tại Diễn đàn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định: Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là xu thế tất yếu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã lựa chọn được cách tiếp cận của mình như: Đức (Industrie 4.0), Mỹ (Liên minh Internet công nghiệp), Nhật Bản (Xã hội 5.0), Hàn Quốc (iKorea 4.0), Trung Quốc (Made in China 2025), Thái Lan (Thailand 4.0), Singapore là Quốc gia thông minh hay Australia là chiến lược hình thành các khu thử nghiệm công nghệ 4.0. Và, dù từ cách tiếp cận nào thì các quốc gia đều phải dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trình bày tham luận: Đánh giá năng lực tiếp cận CMCN 4.0 của Việt Nam và đề xuất các cơ chế, chính sách.

 

 

 

Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 cũng đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics thông minh... giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ: Xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về quản trị công quốc gia và phát triển các mô hình sản xuất, dịch vụ thông minh; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối số; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…

Nhìn lại thời gian qua, Việt Nam cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đặt nền tảng cho việc ứng dụng thành công các công nghệ của CMCN 4.0.

“Trong 10 năm qua, nền kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng kết nối số lẫn thị trường kinh doanh. Năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người. Đến năm 2017, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng lên mức 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số.

Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Các doanh nghiệp viễn thông, Internet ở Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Theo báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về Các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Đánh giá về mức độ sẵn sàng, Việt Nam mặc dù vẫn ở nhóm Sơ khởi nhưng khá gần với nhóm Tiềm năng cao.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu - GCI, luôn duy trì được sự tăng trưởng và đạt mức 55 trên 137 quốc gia vào năm 2017. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII liên tục tăng. Năm 2017, GII tăng 12 bậc so với năm 2016. Theo thông tin mới nhất do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố vào ngày 10/7/2018 vừa qua, năm 2018, chỉ số GII tiếp tục tăng 02 bậc so với năm 2017, đứng ở vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng và là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được đến hiện tại.

Để chủ động ứng phó với các tác động của CMCN 4.0, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự trở thành một trong ba đột phá chiến lược; là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy điều hành tại phiên đối thoại chính sách “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam”.

 

Giải pháp đồng bộ 4 trụ cột

Trong bản báo cáo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã đưa ra đề xuất mô hình phát triển, theo đó, để hướng đến một kịch bản phát triển kinh tế số và sản xuất thông minh, Việt Nam cần kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất, tiếp nhận công nghệ của thế giới và phát triển những sản phẩm công nghệ của riêng mình. Thứ nhất, tiếp nhận công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Thứ hai, lựa chọn những lĩnh vực cụ thể để phát triển những sản phẩm công nghệ dựa trên thế mạnh của Việt Nam.

Bản báo cáo cũng đề xuất cách thức thực hiện là lấy doanh nghiệp là trung tâm. Nhà nước, Chính phủ, Viện, trường đã tập trung cao độ hỗ trợ thương mại hóa các kết quả của hoạt động KH&CN theo chuỗi giá trị, phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc tiếp nhận công nghệ nhằm thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp sẽ hướng đến các nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp cả nước), cũng như đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Định hướng phát triển những sản phẩm công nghệ riêng của Việt Nam sẽ hướng đến sự dẫn dắt của các doanh nghiệp có quy mô lớn, đi đầu, cùng với sự phát triển đột phá của các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để thực hiện được những việc đó, cần những giải pháp đồng bộ ở cả 4 trụ cột: hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (KH&CN, ĐMST, Startups…).

Để thực hiện những đề xuất trên, một số phương hướng đã được gợi mở. Cụ thể: về thể chế, chính sách, cần tiếp tục cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Cần triển khai các khuôn khổ pháp lý để thử nghiệm việc triển khai chính sách, các mô hình quản lý, kinh doanh mới. Đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển nhanh, mới như Fintech, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để đảm bảo nguồn nhân lực có năng lực phù hợp để tiếp cận Công nghiệp 4.0, các chính sách và nội dung giáo dục cũng cần được thay đổi mạnh mẽ để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của CNTT trong nước, với các trụ cột chính về hạ tầng CNTT: mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngõ ngách, đảm bảo kết nối cho toàn bộ các thành phần máy móc, thiết bị với dữ liệu, các quy trình, cũng như con người; Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, kinh doanh những công nghệ mới như 5G; Có chính sách đặc biệt khuyến khích để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu phục vụ nhu cầu trong nước; Có chính sách thực sự thiết thực về tài chính để doanh nghiệp ứng dụng CNTT và đổi mới công nghệ.

Tiếp tục tạo ra những thay đổi căn bản về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với các chính sách khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho KHCN và ĐMST, chấp nhận rủi ro, đặc biệt đối với doanh nghiệp Nhà nước phải được cho phép coi đầu tư cho KH&CN như một khoản đầu tư lâu dài mà không yêu cầu thu hồi vốn trước mắt; Có các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực hấp thụ, phát triển công nghệ của doanh nghiệp; Triển khai xây dựng trung tâm thử nghiệm để tiếp nhận, thử nghiệm và triển khai các công nghệ mới; Hoàn thiện chính sách đầu tư và thoái vốn cho đầu tư mạo hiểm nhằm thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực 4.0.

CMCN 4.0: Việt Nam là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp(VietQ.vn) - Trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù mật độ robot công nghiệp hiện tại còn rất thấp ở Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam đang được coi là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang