Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói gì khiến cả hội trường không nhịn được cười?

author 06:44 18/11/2015

(VietQ.vn) - Ẩm thực của chúng ta phong phú, dồi dào. Đi các hội chợ quốc tế món phở và nem rán của chúng ta cũng nổi tiếng…

Ngày 17/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch;

Kính thưa Quốc hội!

Chúng tôi cám ơn câu hỏi của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hải đoàn Đồng Nai, trước khi tôi trả lời vấn đề này, có thể nói ngành văn hóa, thể thao và du lịch hết sức hoan nghênh và cảm ơn Quốc hội. Ngày 21/6/2015 trong phiên trả lời chất vấn của chúng tôi, Quốc hội đã có Nghị quyết số 52 đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó nêu ra Bộ văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương các cấp trong việc giải quyết những vấn đề về văn hóa, thể thao, du lịch v.v...

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn gây cười

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hoàng Tuấn Anh

Có thể nói, đây là một nghị quyết mang tầm chiến lược rất dài và không thể 5 năm sắp tới mà còn phải 5 năm nữa. Nhiệm kỳ XIII của chúng tôi đã sắp kết thúc, nhiệm kỳ XIV sẽ tiếp tục nói đến vấn đề văn hóa, thể thao, du lịch là vấn đề quan trọng của đất nước. Trước khi chúng tôi nói về du lịch thì du lịch trong thời gian vừa qua đã đóng góp một phần quan trọng có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Trong báo cáo của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội những ngày đầu tiên thì Thủ tướng nói một điều là du lịch của chúng ta từ 2010 đến nay tăng trưởng 1,6 lần và cuối năm nay không có gì thay đổi mình cố gắng, tất nhiên du lịch Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh khi khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn tiếp tục và gần đây nhất là những sự kiện mà khủng bố gây ra ở một số nước, kinh tế của chúng ta vẫn còn khó khăn. Những thành tựu của du lịch Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân các cấp, các ngành thì ghi nhận những tiến bộ, năm nay chúng ta sẽ đạt gần 8 triệu lượt khách và thời gian du lịch của chúng ta giảm sâu 13 tháng liên tục và mới phục hồi 4 tháng trở lại đây, năm nay khả năng chúng ta đạt 320 nghìn tỷ, tức là tương đương với 15 tỷ đô la.

Đại biểu Phạm Thị Hải có so sánh về du lịch Việt Nam với Campuchia và Lào. Thực ra Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan thì chúng ta đã cam kết với nhau 5 quốc gia một điểm đến và nếu như tâm sự của chúng tôi mong muốn du lịch Lào, Campuchia phát triển mạnh hơn. Nhưng để so sánh việc này thì phải căn cứ các chỉ số, chúng tôi có một báo cáo nghiên cứu rất đầy đủ và sẽ kính gửi đến đại biểu Phạm Thị Hải về sự so sánh này. Còn bây giờ thực lòng chúng tôi mong muốn Campuchia và Lào phát triển du lịch mạnh hơn nữa. Tất nhiên khi phát triển như thế chúng tôi sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm, bởi vì mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận du lịch và điều kiện phát triển du lịch.

Vấn đề thứ hai, về du lịch của Việt Nam. Du lịch Việt Nam hiện nay đứng trước những đặc điểm cơ bản tới đây chúng ta cần bảo vệ, phát triển mạnh.

Trước hết là chính trị, xã hội của chúng ta ổn định.

Hai là danh lam thắng cảnh của chúng ta phong phú, đa dạng, ai cũng thừa nhận. Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới, Tràng An là di sản vừa văn hóa vừa thiên nhiên. Chúng ta có 21 di sản được UNESCO công nhận, là một trong ít quốc gia có nhiều di sản được UNESCO ở châu Á. Đó là điều chúng ta giàu tiềm năng, giàu điều kiện. Phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapo, tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời. Vì điều chị Phạm Thị Hải nêu ra nó sẽ lý giải vì sao chúng ta chưa đạt được, mình biết mình đang ở đâu.

Ba là cộng đồng 54 dân tộc của chúng ta văn hóa hết sức đa dạng nhưng thống nhất. Vừa rồi 54 dân tộc anh em của chúng ta có Làng văn hóa dân tộc Việt Nam, nhân ngày đại đoàn kết Chủ tịch Mặt trận và đồng chí Tòng Thị Phóng có lên Đồng Mô. Đây là một trung tâm văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em của chúng ta. Khi chúng ta tổ chức IPU 132 rất nhiều nghị sĩ về đây rất hoan nghênh. Có vị phó tổng thống đến Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch tìm gặp cho được Bộ trưởng để hỏi về mô hình phát triển làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam thế nào, kinh nghiệm, bài học. Có cái mình làm được, nhưng đầu tư cho việc này đúng là kinh tế khó khăn nên giải phóng mặt bằng suốt 16 năm rồi mới được 1.300 tỷ, tôi công bố công khai không có gì giấu diếm. Trong Quyết định 540 của Thủ tướng Chính phủ là đầu tư đến 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm nhưng nguồn lực chúng ta hạn chế nên còn bỏ ngỏ lại 1.700 tỷ nữa, nên nhiệm kỳ tới giải quyết nốt.

Bốn là ẩm thực của chúng ta phong phú, dồi dào. Đi các hội chợ quốc tế món phở và nem rán của chúng ta cũng nổi tiếng. Ngay như nón lá của chúng ta tại Hội chợ triển lãm Milano - Ý, nón lá là sản phẩm xếp thứ 4 hấp dẫn.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao trả lời chất vấn gây cười

Phần trả lời mộc mạc của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khiến nhiều đại biểu không nhịn được cười

Năm là người dân thân thiện, mến khách. Như chị Phạm Thị Ái nêu ra họ chặt chém, ứng xử như vậy thì chỉ là một số ít, không nhiều nhưng cũng gây cho mình bức xúc. Trong việc du lịch Việt Nam năm 2020 trở thành nền kinh tế mũi nhọn thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa hướng dẫn tiêu chí gì. Nhưng theo các chuyên gia và các nhà kinh tế thế giới, các tổ chức kinh tế thế giới thì khẳng định 5 tiêu chí:

Một là anh phải tham gia và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2010 cơ cấu của chúng ta là 32%, năm 2015 chúng ta lên 44% cả dịch vụ, trong đó có du lịch đóng góp.

Hai là thúc đẩy các ngành khác phát triển, giao thông phát triển, công nghiệp phát triển, thương mại phát triển, y tế phát triển, lao động thương binh phát triển, v.v... các ngành khác phát triển.

Ba là chúng ta giải quyết lao động. Theo báo cáo của tổng cục thống kê, du lịch Việt Nam giải quyết lao động 3,8 triệu, chiếm 6,34%. Tôi thống kê thì đơn giản trong ngành du lịch của tôi. Nhiều ngành khác, làm thủ công truyền thống có nói gì đâu. Thủ công đâu có đưa vào du lịch được, họ chỉ bán sản phẩm của họ thôi. Chúng tôi chỉ lấy khiêm tốn, lao động trực tiếp 700 nghìn, lao động gián tiếp 1 triệu 200, nhằm giải quyết việc làm nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt những vùng trọng điểm phát triển du lịch, kể cả vùng sâu, vùng xa, du lịch khám phá, du lịch sinh thái, đồng bào dân tộc ở vùng Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắk cũng cần thúc đẩy du lịch.

Bốn, góp phần bảo toàn phát triển các di tích lịch sử, di tích quốc gia. Nếu không có khách du lịch đến thì lấy tiền đâu mà trùng tu, tôn tạo được. Có những lễ hội họ thu một năm hơn 150 tỷ, họ lấy tiền đó để họ trùng tu, tôn tạo các di tích. Như Cố đô Huế 1 năm họ đón mấy triệu lượt khách, tiền vé là hơn 100 tỷ v.v...

Cuối cùng, du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất nước. Khách du lịch quốc tế đến thì người dân mình ứng xử một cách văn minh, lịch sự thì cũng khẳng định ta là người Việt Nam. Ta chặt chém làm gì, chặt chém chỉ một vài lần, sau đấy họ không bao giờ đến nữa, tôi khuyên là các doanh nghiệp nhỏ lẻ vì điều lớn hơn mà mình phát triển. Khi có tình hình này từ tháng 6/2013 đến bây giờ, dưới sự lãnh đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đoàn của bộ, ngành, trong đó có tôi đi kiểm tra các tỉnh thành, bản thân tôi đi đến rất nhiều cơ sở. Niêm yết giá, công khai giá, đây là cá tươi, thịt tươi thì nói thật, để lâu ngày thì ế ẩm, nó hôi thối như thế thì làm sao. Vấn đề an ninh, vệ sinh, an toàn thực phẩm toàn dân phải tham gia, mình ông bộ trưởng nói mãi về lương thực thực phẩm thì các tỉnh thành ở đâu? Các tỉnh thành phải tham gia vào đây. Tôi nói 5 điểm như vậy để trở thành du lịch kinh tế mũi nhọn.

Báo cáo đại biểu Phạm Thị Hải, tôi nói ngắn gọn không phân tích dài dòng nhưng nói để thấy vai trò vị trí của ngành du lịch thế nào.

Thứ nhất, chúng tôi sẽ bổ sung, sửa đổi Luật du lịch để phù hợp với điều kiện hiện nay, những bất cập hiện nay. Hiện nay, chúng tôi đang tổng kết, các tỉnh tổng kết và Bộ đang tổng kết, theo chương trình thông qua luật thì kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa XIV sẽ cho ý kiến và sau đó kỳ họp thứ 3 sẽ thông qua. Vấn đề này chúng tôi rất cảm ơn. Nhân đây, chúng tôi còn Luật thư viện thì chắc chắn để qua nhiệm kỳ thứ 15. Luật thư viện đòi thông qua, cuối cùng không cho thông qua, văn hóa đọc có vấn đề, hệ thống thư viện để góp phần để nâng cao dân trí.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết 92 của Chính phủ. Chưa bao giờ Chính phủ họp 4 phiên liền và trong đó có một phiên chuyên đề về du lịch. Trong Nghị quyết của Chính phủ có 5 ý kiến như sau.

Một là nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trong đó có Bộ Văn hóa làm gì, các tỉnh, thành làm gì và các bộ làm gì.

Hai là tăng cường hỗ trợ cho phát triển du lịch.

Ba là tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách du lịch.

Bốn là hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch.

Năm là tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về du lịch.

Vừa qua Chính phủ đã đồng ý miễn thị thực visa cho 5 nước Tây Âu, Đức, Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha bắt đầu từ ngày 1/6/2015 cho đến 1/6 sang năm, chỉ còn mấy tháng nữa là phải tổng kết, sơ kết để xem hiệu quả mang lại của việc miễn thị thực như thế nào. Các nước trong khu vực chúng ta người ta miễn thị thực đơn phương rất nhiều, có dịp tôi đã báo cáo rồi, Thái Lan, Singapo, Indonexia, Malaixia v.v.... nhưng đó cũng là việc tiến bộ.

Thứ hai, Nghị định 82 của Chính phủ là miễn thị thực cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài và vợ chồng, con em của họ, đây là một bước tiến.

Thứ ba, mới đây nhất tại Nghị quyết 79 của Chính phủ đồng ý miễn visa cho khách đi theo tour du lịch vào Việt Nam đối với Công ty lữ hành quốc tế có mặt tại Việt Nam. Đây là một quyết định mới, chúng tôi đang xây dựng và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Thứ tư, xây dựng quỹ phát triển du lịch.

Về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, vừa rồi chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, trước hết là giảm tiền thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích đất cho khuôn viên, cảnh quan nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch.

Chỉ thị 18 về môi trường du lịch và Chỉ thị 14 về tháo gỡ những bức xúc hiện nay để tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Liên quan đến những vấn đề này trong báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và đại biểu Phạm Thị Hải đều nói rồi, tôi không phân tích thêm. Nhưng tôi nói là có chỉ thị rồi, có nghị quyết rồi, bây giờ vấn đề còn lại là mình triển khai thực hiện. Ngành của chúng tôi là ngành tổng hợp, chất lượng du lịch, dịch vụ du lịch phụ thuộc vào 7 yếu tố sau. Yếu tố thứ nhất là hạ tầng giao thông.

Yếu tố thứ hai là dịch vụ vận tải.

Yếu tố thứ ba là môi trường tự nhiên.

Yếu tố thứ tư là môi trường xã hội.

Yếu tố thứ năm là ý thức cộng đồng.

Yếu tố thứ sáu là chất lượng nguồn nhân lực.

Yếu tố thứ bảy là cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Việc đó về phần chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm. Với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao, du lịch, những gì mình đã cố gắng rồi nhưng chưa đạt được mong muốn của Quốc hội thì tôi xin chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Thời gian không còn nữa thì làm sao. 

Viết Cường (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang