Cảnh báo: Không nên dùng nước muối quá đậm đặc để xúc miệng ngừa COVID-19

author 16:48 26/07/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin cho rằng dùng nước muối đậm đặc để xúc họng ngăn ngừa COVID-19. Tuy nhiên theo chuyên gia y tế đây là phương pháp không có cơ sở khoa học thậm chí còn gây ra nhiều bất lợi.

Trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID -19 chưa chấm dứt, thì việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh đang được rất nhiều người quan tâm. Các chuyên gia liên tục đưa ra các khuyến cáo phòng bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng hoặc xịt họng bằng nước sát khuẩn để phòng chống bệnh… 

Tuy nhiên gần đây, trên mạng chia sẻ bài viết hướng dẫn cách dùng nước muối ưu trương- là nước muối có nồng độ muối thật cao để xịt rửa mũi, súc họng 'diệt' virus gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cách làm này có lợi thì ít mà hại thì nhiều.

Theo các chuyên gia y tế, việc súc miệng họng thường xuyên sẽ giúp hỗ trợ phòng ngừa nhiễm bệnh và truyền bệnh cho người khác qua cơ chế rửa trôi. Song, các chuyên gia y tế cho biết, chưa có bằng chứng cho thấy việc thường xuyên nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối đậm đặc sẽ bảo vệ chống lại hoặc chữa khỏi bệnh do COVID -19 gây ra.

Không nên dùng nước muối quá đậm đặc để xúc họng ngăn ngừa COVID-19

Thực tế cho thấy, việc súc miệng bằng nước và muối chỉ có tác dụng giúp giảm đau họng, giúp mọi người khắc phục được nhanh các triệu chứng của cảm lạnh thông thường.

Ngoài ra, nhiều người quan niệm pha nước muối súc họng càng mặn thì tính sát trùng, sát khuẩn sẽ càng cao và vì thế nó có thể thay thế được dung dịch súc họng sát khuẩn chuyên dùng. Do đó, họ đã pha nước muối rất mặn để súc miệng hàng ngày, tuy nhiên việc làm này lại vô tình gây tổn thương niêm mạc vùng họng khiến họng khô, ráp như không có nước…

Bởi nước muối đậm đặc có nồng độ muối cao, khiến tế bào vi khuẩn bị mất nước mạnh và bị chết hoặc bị bất hoạt. Nhưng đồng thời cũng gây hại cho cả tế bào niêm mạc của cơ thể.

Cũng theo các chuyên gia y tế, những dung dịch súc miệng họng thông thường không chỉ nhằm riêng mục đích ngừa COVID-19, mà được nghiên cứu và sản xuất nhằm loại bỏ và diệt trừ một số loại vi khuẩn gây bệnh thông thường khác, giúp nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể trước nhiều mầm bệnh. Trên thị trường hiện nay vẫn đang đáp ứng đủ được nhu cầu về nước súc miệng họng cho người dân với nhiều loại có giá cả phải chăng và an toàn.

Nếu vẫn lựa chọn nước muối, người dân cần biết phân loại các loại nước để sử dụng an toàn. Theo đó nước muối gồm: Nước muối đẳng trương, nước muối ưu trương, nước muối nhược trương. 

Nước muối đẳng trương là dung dịch nước muối có áp suất thẩm thấu bằng 380 mOsmol, tương đương với áp suất thẩm thấu của dịch trong tế bào sống. Là dung dịch nước muối được pha chế với tỷ lệ NaCL tinh khiết/nước cất là 0,9%. Tức 1 lít nước cất với 9g natri chloride tinh khiết.

Nước muối ưu trương (nước muối đậm đặc)- là dung dịch nước muối có tỷ lệ NaCL tinh khiết/nước cất cao hơn 0,9%. Nồng độ NaCL càng cao thì độ ưu trương càng mạnh. 

Nước muối nhược trương là dung dịch nước muối có tỷ lệ NaCL tinh khiết/nước cất thấp hơn 0,9%. Nồng độ NaCL càng thấp hơn nhiều thì dung dịch càng nhược trương.

Hiểu một cách đơn giản thì khi tiếp xúc với tế bào sống, dung dịch nước muối ưu trương sẽ rút nước ra khỏi tế bào (khiến cho tế bào bị mất nước và bị tiêu diệt). Ngược lại dung dịch nhược trương sẽ khiến tế bào hút thêm nước. Duy chỉ có dung dịch đẳng trương là duy trì sự cân bằng (không có sự dịch chuyển nước ra hoặc vào tế bào). Do đó khi dùng để rửa mắt mũi hay súc miệng họng, dùng nước muối đẳng trương sẽ không gây hại cho tế bào niêm mạc.

Nước muối đẳng trương và nước muối nhược trương không gây hại cho tế bào nên cũng không diệt được vi khuẩn. Tuy nhiên, chúng có thể giúp loại bỏ mầm bệnh (vi khuẩn, virus…) thông qua cơ chế rửa trôi.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang