Bộ Y tế: Tăng cường rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, tránh chồng chéo kiểm tra

author 07:08 12/10/2017

(VietQ.vn) - Bộ Y tế cần tiếp tục rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 để đảm bảo loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trong tháng 8/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhóm 2.

Theo đó, hàng hóa nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.. Tuy nhiên hiện danh mục các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được các bộ ngành quy định quá rộng, nhiều mặt hàng không thực sự có nguy cơ gây mất an toàn.

Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trực tiếp là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo "Rà soát hàng hóa nhóm 2 và các văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu" của các Bộ, quản lý ngành, lĩnh vực không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh và Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&CN Đỗ Hồng Giang điều hành Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế Trần Thị Oanh cho rằng, hàng năm Bộ Y tế đều có soát xét danh mục hàng hóa nhóm 2. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang rà soát và đưa một số mặt hàng ra khỏi danh mục kiểm tra nhà nước.

Trong đó, nổi bật là đã rà soát, ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 theo Thông tư số 31/2017/TT-BYT ngày 25/7/2017 (thay thế Thông tư số 44/2011/TT-BYT) gồm 06 nhóm hàng hóa, trong đó có 25 sản phẩm cụ thể thuộc 03 nhóm (phương tiện tránh thai; Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng; Thiết bị y học cổ truyền); 02 nhóm liên quan đến sản phẩm dược và 01 nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế, trong đó nhóm trang thiết bị y tế được quản lý theo quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ. Bộ Y tế đang sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo Thông tư số 31/2017/TT-BYT ngày 25/7/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế (Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) gồm 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa.

Cụ thể: Thuốc thành phẩm, vắc-xin, sinh phẩm điều trị; Nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; Trang thiết bị y tế thuộc loại B, C và D được quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Phương tiện tránh thai; Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng (nhà ở, trường học, công trình công cộng, văn phòng, máy bay) và y tế; Thiết bị y học cổ truyền.

Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế Trần Thị Oanh phát biểu tại Hội thảo

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh ghi nhận Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BYT trong đó đã loại bỏ đi một số sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc Bộ Y tế quản lý. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế cần đẩy mạnh việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức nước ngoài; Chỉ định trực tiếp tổ chức đánh giá sự phù tại nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Đối với danh mục hàng hóa nhóm 2, Bộ KH&CN kiến nghị Bộ Y tế cần tiếp tục rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, bổ sung mã HS (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu) để đảm bảo loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan (tiền kiểm) theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 09/8/2017 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2017; Xem xét đẩy nhanh việc ban hành các QCVN trước để có căn cứ quản lý đối với SPHH nhóm 2, trong đó quy định rõ biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu (tiền kiểm, hậu kiểm).

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ KH&CN kiến nghị Bộ Y tế rà soát các VBQPPL đã ban hành chưa phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.

Kiến nghị Bộ Y tế cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để chỉnh sửa lại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết Luật an toàn thực phẩm cho phù hợp. Đặc biệt là nội dung hướng dẫn công bố phù hợp an toàn thực phẩm.

Huy Hùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang