Thu hồi 3.313 sản phẩm và đình chỉ lưu hành 519 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm chất lượng

author 15:02 15/12/2023

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong quá trình kiểm tra hậu mại các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu đã thu hồi 3.313 sản phẩm mỹ phẩm; đình chỉ lưu hành, thu hồi 519 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm chất lượng.

Thu hồi 3.313 sản phẩm mỹ phẩm; đình chỉ lưu hành, thu hồi 519 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm chất lượng

Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược), tính từ năm 2012 đến hết 2022, Cục Quản lý Dược đã kiểm tra hậu mại 309 công ty sản xuất mỹ phẩm trong nước và kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu; theo đó tiến hành thu hồi 3.313 sản phẩm mỹ phẩm; đình chỉ lưu hành, thu hồi 519 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm chất lượng.

Tính riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 16.127 vụ, phát hiện xử lý 11.374 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 65 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 161 đồng. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cảnh báo, xử lý một số trường hợp vi phạm hành chính liên quan đến quảng cáo mỹ phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

 Nhiều sản phẩm mỹ phẩm bị đình chỉ và thu hồi do vi phạm về chất lượng. Ảnh minh họa

Liên quan tới việc kiểm tra hậu mãi năm 2023, ngày 17/11/2023 Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra hậu mại mỹ phẩm.

Qua quá trình rà soát công tác hậu mại của các cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước, Cục Quản lý Dược nhận thấy nhiều doanh nghiệp không liên hệ được thông qua số điện thoại đã kê khai trên Phiếu công bố hoặc số điện thoại được đăng tải trên Website của doanh nghiệp.

Do đó, để triển khai quy định tại Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm và Thông tư số 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đã công khai danh sách 343 cơ sở sản xuất mỹ phẩm để triển khai xây dựng kế hoạch hậu mại mỹ phẩm. Sau khi tiến hành kiểm tra, đề nghị các Sở báo cáo kết quả kiểm tra và xử phạt vi phạm (nếu có) gửi về Cục Quản lý Dược để tổng hợp.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong quá trình tiến hành thanh tra còn gặp một số khó khăn như: Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm có địa chỉ khó tìm, sản xuất theo thời vụ nên thường đóng cửa khi tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất. Số lượng kinh doanh mỹ phẩm quá nhiều, không đủ nhân lực để thực hiện thanh tra thường xuyên. Đồng thời, công tác thanh kiểm tra hiện nay chủ yếu tập trung tại trụ sở công ty hay cơ sở sản xuất, lấy mẫu tại cơ sở sản xuất hay kho của doanh nghiệp mà chưa tập trung việc lấy mẫu thực tế lưu hành trên thị trường. Việc lấy mẫu trên thị trường sẽ thể hiện chính xác hơn hiện trạng sản phẩm mỹ phẩm đang lưu hành và từ đó sẽ quản lý được các sản phẩm thực sự tiếp cận với người tiêu dùng.

Lực lượng thanh tra đã được củng cố, kiện toàn song vẫn còn quá mỏng so với yêu cầu khối lượng công việc thực tế, đồng thời phát sinh các cuộc thanh, kiểm tra đột xuất theo đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thời gian đi xác minh, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại các địa bàn xa, mất nhiều thời gian; phương tiện công tác chưa chủ động. Tại một số địa phương, công tác kiểm tra chưa thường xuyên còn mang tính vụ việc, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, tuyến huyện chủ yếu nhắc nhở.

Đề cập tới những bất cập trong quản lý mỹ phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đề nghị các đơn vị liên quan tập trung vào xây dựng, hoàn thiện 03 nội dung chính sách lớn, bao gồm: Cơ quan quản lý cần tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN;

Tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng công nghệ 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng;  Để nâng có thể nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước tiến tới xuất khẩu, chúng ta cần nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP- Asean về mỹ phầm và quy định lộ trình thực hiện.

 
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỹ phẩm là sản phẩm thường được sử dụng trực tiếp trên da, do vậy, nếu chất lượng kém sẽ gây tác hại rất lớn cho cơ thể người dùng. Thậm chí kể cả khi sử dụng những sản phẩm tốt, chính hãng, người dùng vẫn có thể bị dị ứng do cơ địa. Còn đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng hay hàng giả, hàng nhái thì hậu quả càng nguy hiểm hơn rất nhiều vì có thể gây những tổn thương da nghiêm trọng như nổi ban đỏ, mụn, làm thoái hóa da,...

Cùng với đó, việc chữa trị sẽ rất tốn kém và cần thời gian lâu dài. Vì thế, đã xảy ra không ít trường hợp éo le khi những món quà đắt tiền và ý nghĩa lại biến thành “thuốc độc”.

Trước tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang được rao bán tràn lan trên mạng như hiện nay, các chuyên gia về mua sắm khuyến cáo, khi mua hàng, người mua cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ và chỉ nên mua tại các địa chỉ có uy tín.

Bên cạnh đó, phải hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trước khi mua cũng như kiểm tra cẩn thận khi nhận. Tuyệt đối đừng vì ham khuyến mại, giá rẻ mà “tiền mất tật mang”.

Trong trường hợp mua và sử dụng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng và không may có dấu hiệu mắc bệnh về da liễu như ngứa, mẩn đỏ, nổi ban,... theo lời khuyên của bác sĩ, bệnh nhân không nên tự điều trị vì có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng gây tình trạng bệnh nặng hơn. Thay vì đó, cần đến ngay các cơ sở y tế có uy tín để được hỗ trợ đúng chuyên môn, tuyệt đối không nên tự trấn an bản thân rằng do mới sử dụng chưa quen để tiếp tục sử dụng sản phẩm, vì có thể dễ dàng khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.
 

Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm phải đảm bảo điều kiện gì?

Để có thể sản xuất mỹ phẩm trong nước, các công ty phải có nhà máy mỹ phẩm đạt chất lượng CGMP. Và để có thể lưu hành phải qua sự kiểm duyệt khắt khe mới được cấp chứng nhận ISO 9001 và ISO 22716. Theo đó các nhà máy sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT.

Tiêu chuẩn ISO 22716 là tiêu chuẩn quốc tế về các thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với nhà máy mỹ phẩm. Tên đầy đủ là Cosmetics – Good Manufacturing Practices (GMP) – Guidelines on Good Manufacturing Practices.

Để đạt được tiêu chuẩn ISO 22716, các nhà máy sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam phải đảm bảo mọi quy trình, sự an toàn và chất lượng của sản phẩm. Việc tuân thủ danh mục các quy định của tiêu chuẩn ISO 27716 chính là cách để kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Để đánh giá tiêu chuẩn của nhà máy mỹ phẩm cần dựa vào rất nhiều yếu tố khác nhau và được xem xét một cách kỹ lưỡng. Trong đó, có 5 yếu tố quan trọng cần được quan tâm: quy mô, trang thiết bị, nhân sự, hệ thống quản lý chất lượng và quy trình sản xuất.

Quy mô của nhà máy mỹ phẩm: Yếu tố đầu tiên chính là quy mô của nhà máy mỹ phẩm, điều đầu tiên tạo ấn tượng. Nhà máy được xây dựng với quy mô lớn, đồng nghĩa với việc có sự đầu tư nghiêm túc và mong muốn phát triển lâu dài, bền vững.

Bên cạnh đó, với quy mô lớn nhà máy mỹ phẩm có nhiều không gian để trang bị những chiếc máy móc, trang thiết bị tân tiến, thuận lợi cho việc sản xuất. Không gian thoải mái cũng tạo điều kiện cho việc phân chia khu vực làm việc một cách khoa học, giúp quá trình sản xuất mỹ phẩm diễn ra nhanh chóng, chất lượng. Ngoài ra, nhà máy mỹ phẩm có quy mô rộng lớn tạo cho công nhân viên một môi trường làm việc thông thoáng, sạch sẽ, thoải mái. Đó chính là những yếu tố tiên quyết giúp cải thiện năng suất và chất lượng làm việc của lực lượng lao động.

Trang thiết bị của nhà máy mỹ phẩm: Bên cạnh quy mô rộng lớn thì trang thiết bị của nhà máy mỹ phẩm là một trong những tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất. Để tạo ra những sản phẩm tốt, đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng thì máy móc, thiết bị cần phải an toàn, chất lượng, đạt chuẩn.

Nhà máy mỹ phẩm cần có trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, đảm bảo khả năng vận hành theo yêu cầu các loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất. Không chỉ vậy, doanh nghiệp đảm bảo có kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ máy móc, thiết bị hoạt động ổn định, không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của công nhân viên cũng như chất lượng mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, nhà máy mỹ phẩm cũng phải có đầy đủ kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói. Và thành phẩm đảm bảo phải có sự tách biệt với khu vực nguyên liệu và vật liệu đóng gói. Đặc biệt, nhà máy sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam không được thiếu khu vực riêng để bảo quản các chất dễ gây cháy nổ, các chất độc tính cao. Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy đảm bảo chất lượng.

Nhân sự của nhà máy sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam: Một điều không thể thiếu chính là nhân sự của nhà máy mỹ phẩm. Người phụ trách sản xuất chính cần phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành có liên quan khác.

Bên cạnh đó, bộ phận nhân sự của cơ sở sản xuất phải đảm bảo chất lượng. Đảm bảo kỷ luật lao động từ bộ phận quản lý cho đến các công nhân viên trong xưởng. Đội ngũ nhân viên trong xưởng cũng cần có trình độ, năng lực, kiến thức cơ bản trong công việc mình đảm nhận. Một nhà máy mỹ phẩm chất lượng, uy tín sẽ luôn đào tạo đội ngũ nhân viên, tổ chức các khóa huấn luyện bài bản để trau dồi kiến thức, kỹ năng của nhân viên nhiều hơn nữa.

Hệ thống quản lý chất lượng: Có thể thấy, độ tin cậy không chỉ là mối quan tâm của các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và tất nhiên là người tiêu dùng đối với sản phẩm. Chính vì vậy mà hệ thống quản lý chất lượng cũng là một yếu tố quan trọng của nhà máy mỹ phẩm.

Hệ thống quản lý chất lượng của mỗi doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm gồm: Đảm bảo tiêu chuẩn chất về nguyên liệu và phụ liệu sử dụng sản xuất mỹ phẩm; Bán thành phẩm đưa vào sản xuất cần có tiêu chuẩn chất lượng; Cần có quy trình sản xuất áp dụng cho từng sản phẩm riêng; Có bộ phận chuyên kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm; Có hệ thống lưu trữ dữ liệu, sắp xếp đúng trình tự.

Quy trình sản xuất mỹ phẩm của nhà máy: Mỗi sản phẩm cần được sản xuất theo đúng quy trình của nhà máy, không được bỏ sót bất kỳ bước nào. Vì chỉ cần thiếu một bước, chất lượng của sản phẩm mỹ phẩm đã thay đổi rất nhiều và có thể làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như uy tín của nhà máy sản xuất. Để có thể sản xuất mỹ phẩm trong nước, các công ty phải có nhà máy mỹ phẩm đạt chất lượng CGMP. Và để có thể lưu hành phải qua sự kiểm duyệt khắt khe mới được cấp chứng nhận ISO 9001 và ISO 22716.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang