‘Bơm’ vốn đúng đối tượng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

author 12:40 14/02/2022

(VietQ.vn) - Rút kinh nghiệm từ bài học năm 2008 - 2009, để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả, cần "bơm" vốn đúng các đối tượng ưu tiên, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh thay vì vào kênh đầu cơ chứng khoán, bất động sản.

Bơm vốn đúng đối tượng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó do dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28,9% so cùng kỳ năm trước; Cùng với đó, cả nước có 19.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so tháng 12/2021 và 194% so tháng 1/2021). Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32.100 doanh nghiệp, tăng 93,6% so cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy tín hiệu khả quan của phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.

Sau giai đoạn giãn cách xã hội, nền kinh tế bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc khá rõ nét. Việc nhiều doanh nghiệp dần phục hồi và hoạt động sản xuất trở lại đã khiến nhu cầu về vốn tăng cao. Nhằm hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, nhiều ngân hàng đã và đang đồng loạt đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà ở, sản xuất, phân phối điện và xây dựng...

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do Covid-19, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn lực của các tổ chức kinh tế thông qua tổ chức tín dụng, góp phần thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, một trong những động lực giúp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới tăng mạnh là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được thông qua. Cụ thể, Chính phủ sẽ dành tối đa 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng trả nợ, phục hồi. Với chính sách tiền tệ, sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 đến 1%/năm trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên; điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất;...

TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn khi triển khai, Chính phủ và các ngân hàng sẽ rút kinh nghiệm từ bài học năm 2008 - 2009, sớm hướng dẫn thực hiện chi tiết, rõ ràng, cụ thể để các đơn vị có thể triển khai được ngay, "bơm" vốn đúng các đối tượng ưu tiên, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh thay vì vào kênh đầu cơ chứng khoán, bất động sản.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang