Thuốc giả tác động xấu tới thị trường và sức khỏe người tiêu dùng

author 11:29 24/07/2023

(VietQ.vn) - Thời gian qua, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp, nhức nhối với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi trong đó phải kể tới tình trạng buôn bán thuốc giả.

Sản xuất, kinh doanh thuốc giả vẫn phức tạp

Vấn nạn nhức nhối, ngày càng tinh vi hiện nay là tình trạng buôn bán, sản xuất thuốc giả. Cơ quan chức năng đã triệt phá và xử lý nhiều vụ việc vi phạm. 

Sản xuất, kinh doanh thuốc giả ngày càng tinh vi. Ảnh minh họa

Mới đây nhất, ngày 12/7/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, do ông Quách Ngọc Giao (55 tuổi, ngụ phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu. Liên quan đến vụ án, cơ quan chức năng đã bắt giữ 10 người cùng nhiều tang vật. Qua khám xét công an phát hiện số lượng lớn thuốc ghi các nhãn hiệu nổi tiếng, dùng để điều trị các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp… Bước đầu, những người này khai nhận mua thuốc từ các công ty dược Việt Nam sản xuất, sau đó về thay đổi bao bì, tem, nhãn thuốc thành các loại thuốc ngoại nhập để bán ra thị trường với giá cao.

Cũng trong tháng 7/2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện trên thị trường một số thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất bao gồm các loại thuốc dạng viên nén có tên: Cefuroxim 500mg; Cefodoxim 200mg; Cefixin 200mg; Cefixim 100mg; Esomeprazol 40mg; Fluconazol 150mg mang nhãn mác do công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất, được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Rotex Việt Nam. Qua rà soát, không có Công ty TNHH Rotex Việt Nam có trụ sở tại địa chỉ đăng ký kinh doanh: Ô số 22 LK 07 Khu đô thị Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đứng tên Đinh Ngọc Cường là đại diện công ty. Cục Quản lý Dược cho biết chưa cấp bất kỳ giấy đăng ký lưu hành thuốc nào cho Công ty TNHH Rotex Việt Nam và chưa cấp giấy đăng ký lưu hành cho các sản phẩm thuốc viên nén, viên nang do Công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất. Do vậy tất cả các thuốc viên nén, viên nang trên nhãn mác Công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất và các thuốc do Công ty TNHH Rotex Việt Nam nhập khẩu, phân phối trên thị trường là thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất.

Hậu quả của thuốc giả khó lường

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ lừa đảo, gồm các trường hợp sau: hoàn toàn không có dược chất được ghi trên nhãn thuốc; có dược chất nhưng hàm lượng ít hơn, thậm chí rất ít so với hàm lượng được ghi trên nhãn; có dược chất nhưng dược chất hoàn toàn khác so với dược chất ghi trên nhãn, thậm chí có thuốc giả trong đó dược chất là độc chất gây chết người; có dược chất ghi đúng trên nhãn, có bao bì, quy cách đóng gói, tên thuốc giống như thuốc của chính hãng được quyền sở hữu công nghiệp nhưng do một hãng làm giả sản xuất.

Thuốc giả gây tác hại ở 2 phương diện. Thuốc giả gây thiệt hại rất trầm trọng đến uy tín của các hãng dược phẩm nổi tiếng làm ăn chân chính. Thuốc bị làm giả người dùng thuốc không phân biệt được đâu là thật hay giả do thuốc giả dùng tên thuốc, nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì được làm giả giống y như thuốc thật. Thuốc giả gây tác hại cho chính người dùng thuốc. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.

Tăng cường xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc giả

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội, Hà Nội phân tích, vì “hám lợi nhuận” nhiều người đã bất chấp các quy định của pháp luật, đạo đức để sản xuất, buôn bán thuốc giả, bỏ mặc hệ luỵ khôn lường tiềm ẩn đằng sau sự vụ lợi đó. Đây là hành vi đáng lên án và phải cần chế tài xử lý nghiêm minh đủ sức răn đe.

Luật sư Tiền chỉ ra, mua bán thuốc chữa bệnh giả là một tội ác và là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, trường hợp mua bán, nhập khẩu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần so với hành vi buôn bán hàng giả thông thường, phạt từ 1 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng.

Ngoài ra, chủ thể có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc tiêu hủy tang vật, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa đang lưu thông trên thị trường.

Trường hợp mua bán, nhập khẩu thuốc có nhãn, bao bì giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác hoặc hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa, sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng - 600 triệu đồng.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng trên thực tế mà hành vi buôn bán thuốc chữa bệnh giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, theo Điều 157 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 2 - 7 năm.

Trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang