Buôn bán, vận chuyển trái phép đường nhập ngoại diễn biến phức tạp

author 14:32 13/08/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng đường có xuất xứ nước ngoài diễn biến phức tạp.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng đường do nước ngoài sản xuất vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do đường nhập ngoại có giá thành rẻ hơn so với đường kính trắng trong nước. 

Trước tình hình đó, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Thừa Thiên Huế) đã bám sát các chỉ đạo của Tổng cục QLTT về việc tăng cường kiểm tra kiểm soát các mặt hàng đường nhập lậu, qua đó đã liên tiếp kiểm tra, phát hiện và tạm giữ số lượng lớn đường kính trắng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ.

Gần đây nhất, vào ngày 10/8, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Thừa Thiên Thuế) đã tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 74D 00210 đang dừng đỗ tại Quốc lộ 1A, thuộc địa phận Tổ dân phố 2, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Lê Bá Lâm thường trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị điều khiển. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ 1.000kg đường kính trắng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo.

Trước đó, vào lúc 20h ngày 05/8/2021, Đội QLTT số 1 đã tiến hành các thủ tục khám phương tiện ô tô biển kiểm soát 75C 06308 đang dừng đỗ tại lề đường km21, Quốc lộ 1A, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Võ Văn Hùng địa chỉ 79 đường Thánh Gióng, phường Thuận Lộc, Thành phố Huế điều khiển. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ 2.000kg đường kính trắng do nước ngoài sản xuất và nhiều hàng hóa khác không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng QLTT Thừa Thiên Huế vừa tạm giữ số lượng lớn đường kính trắng không có hóa đơn chứng từ. Ảnh: Cục QLTT Thừa Thiên Huế 

Liên quan tới mặt hàng đường, số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, nửa đầu năm 2021, hiện tượng "bùng nổ" lượng đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN đã xảy ra, dù đây là những nước không có năng lực xuất khẩu đường từ mía trong nước họ. Hiệp hội mía đường cho rằng, đây là những dấu hiệu bất thường.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kể từ khi áp thuế sơ bộ vào tháng 2 năm nay, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan cho tới thời điểm này giảm mạnh đến 75%. Tuy nhiên ngược lại, sự bất thường xảy ra khi "bùng nổ" đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN khác. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia đã tăng gấp 16 lần, đạt mức hơn 320.000 tấn.

Đáng chú ý, cả 5 nước ASEAN trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng rất mạnh như vậy. Đường từ 5 nước này hiện được áp mức thuế 5%, thấp hơn nhiều so với mức 47,64% của đường Thái Lan vừa được chính thức áp từ tháng trước.

"Hiện nay, dấu hiệu lẩn tránh rất rõ, lượng đường từ Thái Lan giảm đi nhưng lượng đường nhập từ 5 quốc gia còn lại vào Việt Nam thì tăng thêm, tăng thêm với mức độ kinh khủng, bản chất cũng là đường từ Thái Lan", ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Thái Lan cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu đường từ Thái Lan sang 5 nước ASEAN kể trên tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là Lào và Campuchia đều tăng trên 100%.

Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng với dấu hiệu lẩn tránh phòng vệ thương mại này, một khối lượng đường đáng kể đã tìm được phương thức mới, không phải nhập lậu như trước và vẫn hiện diện trên thị trường với mức giá cạnh tranh, cùng với đường nhập lậu đang đóng vai trò chính trên thị trường.

Trước đó, trong Chỉ thị về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, trong đó nghiên cứu đề xuất nâng mức phạt tiền có tính răn đe cao và hình thức phạt bổ sung đối với các trường hợp vận chuyển mặt hàng đường nhập lậu.

Bộ Tài chính định kỳ hàng quý và đột xuất khi có yêu cầu cung cấp cho Bộ Công Thương số liệu xuất nhập khẩu các sản phẩm đường để kịp thời phục vụ công tác quản lý. Chủ trì, chỉ đạo lực lượng Hải quan phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại mặt hàng đường, quản lý chặt hình thức nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nhằm ổn định, phát triển lành mạnh thị trường đường trong nước.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Hiệp hội mía đường Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan có liên quan xem xét, nghiên cứu việc áp dụng chính sách thuế theo lộ trình phù hợp đối với đồ uống có chứa các loại đường có hại cho sức khỏe.

Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại quyết liệt hơn; xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến bảo kê nhập khẩu đường trái phép.

Bảo Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang