Tinh vi 'biến' đường nhập lậu thành đường nội địa để tiêu thụ, giải pháp nào để ngăn chặn?

author 16:50 22/06/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, việc nhập lậu đường qua biên giới vẫn tăng theo chiều hướng phức tạp gây khó khăn trong công tác ngăn chặn và xử lý.

Nhiều chiêu trò nhập lậu đường cát vào Việt Nam

Tình trạng gian lận thương mại cộng với đường nhập lậu tràn vào đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp và ngành mía đường Việt Nam. Thậm chí tình trạng buôn lậu đường với quy mô lớn đã khiến cho không ít nhà máy đường phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang do thua lỗ.

Theo số liệu thống kê của tổ chức Đường quốc tế (ISO), ước tính mỗi năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ 500.000 tấn lên đến gần 1 triệu tấn, chủ yếu từ Campuchia và Lào, với giá rẻ hơn 1.000-2.000 đồng/kg.

Giai đoạn 2008 - 2019, lượng nhập lậu vào Việt Nam hàng năm ước tính từ 100.000 - 890.661 tấn. Trong đó, từ 2015 - 2019, con số này tăng đột biến lên 490.000 - 890.000 tấn/năm, cao hơn 30% - trên 100% so với lượng đường sản xuất trong nước.

Đường lậu khiến thất thu một phần ngân sách nhà nước, doanh nghiệp đường bị cạnh tranh không lành mạnh nên phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí ngưng hoạt động, người dân trồng mía không đảm bảo thu nhập, thua lỗ và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

 Tình trạng nhập lậu đường cát ngày càng tinh vi trên nhiều tuyến đường. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Đáng chú ý, nếu như trước đây đường nhập lậu phần lớn được vận chuyển bằng đường thủy thì nay được vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Đáng quan ngại là mỗi giai đoạn, đối tượng buôn lậu đường luôn tìm các phương thức và thủ đoạn tinh vi khác nhau để qua mặt các lực lượng chức năng.

Táo tợn hơn, các đối tượng buôn lậu đường còn tập kết bên kia sông thuộc Campuchia trên các thuyền hay sà lan lớn, sau đó bốc xuống ghe nhỏ hơn chuyển hàng qua kho nhập lậu tại gần các cửa khẩu rồi sang bao. Từ đây, đường lậu đi sâu vào nội địa bằng xe tải lớn hoặc bằng ghe lớn có thể lên đến 80-100 tấn.

Thậm chí các đối tượng buôn lậu dùng tàu biển công suất lớn, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Khi bị kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng xuống biển, xuống sông để phi tang và chống trả quyết liệt.

Sau khi vận chuyển vào Việt Nam, đường được các đầu nậu sang bao. Trước đây đầu nậu thường dùng bao của các thương hiệu trong nước nhưng nay họ dùng bao trắng, sau đó sang bao kẹp một nhãn hiệu nhỏ của cơ sở đóng gói hoạt động tại địa phương. Thậm chí có trường hợp họ để y nguyên bao bì nhãn mác đường Thái Lan rồi bán thẳng ra thị trường.

Đặc biệt, một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.

Nhiều hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị tiêu hủy(VietQ.vn) - Cục QLTT Quảng Ninh tiêu hủy tang vật nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đợt 1 năm 2021 trị giá gần 6 tỷ đồng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng đường cát nhập khẩu

Để tạo ra sân chơi công bằng và bảo vệ người tiêu dùng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia đã yêu cầu các lực lượng chức năng thực hiện tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng đường cát nhập khẩu trên thị trường.

BCĐ 389 quốc gia cũng đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Theo đó, hệ thống này cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR nhằm kiểm tra tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Các đơn vị chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm thành phần bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm.

Bộ Tài Chính cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng mức phạt tiền và hình thức phạt bổ sung đối với trường hợp cố ý vận chuyển hoặc vận chuyển nhiều lần mặt hàng đường nhập lậu.

Song song đó, cần tiếp tục kiểm soát nhập khẩu, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn một cách hiệu quả, triệt phá, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đường từ Thái Lan và các nước tuồn vào Việt Nam. Lực lượng chức năng cần thường xuyên có các chiến dịch kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm vi phạm ở thị trường nội địa.

Để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành để đưa ra những phương án, giải pháp phù hợp, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ cho người nông dân yên tâm bám trụ với nghề, tạo ra được vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang