Buôn lậu, gian lận thương mại trên biển liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn

author 13:18 07/08/2021

(VietQ.vn) - Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép xảy ra trên biển đang có chiều hướng gia tăng số vụ với nhiều loại, lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.

Bắt giữ và xử lý hàng trăm vụ vi phạm

Theo thông tin từ Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép xảy ra trên biển đang có chiều hướng gia tăng số vụ với nhiều loại, lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 434 vụ với 586 đối tượng, tăng về số vụ nhưng giảm về đối tượng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lực lượng Cảnh sát biển đã khởi tố 63 vụ với 66 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 297 vụ với 400 đối tượng; phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 71 vụ với 112 đối tượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và ước tính giá trị tang vật tịch thu gần 40 tỷ đồng.

Cụ thể, lực lượng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 39 vụ với 148 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; tang vật thu giữ 3.467,303 tấn than; 1.847.886 lít dầu DO, 23.700 kg dầu FO; 11.430 kg thủy hải sản và 22 kg pháo nổ. Đấu tranh, xử lý 132 vụ với 175 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, trong đó, đã khởi tố 63 vụ với 66 đối tượng; phối hợp, bàn giao 69 vụ với 109 đối tượng; tang vật thu giữ 85,5 bánh và 345,3451 gram heroin, 239.228 viên và hơn 51 kg ma túy tổng hợp, 524,15 gram cần sa, 3 khẩu súng, 14 xe ô tô, 52 xe máy, 110 điện thoại, hơn 2 tỷ đồng và một số vật chứng có liên quan. Ngoài ra, lực lượng cũng đã phát hiện và xử lý 263 vụ với 263 đối tượng vi phạm các quy định về hàng hải, xử phạt hành chính với số tiền 372 triệu đồng.

Các chủ phương tiện tàu cá dùng khoang chứa để vận chuyển trái phép xăng dầu.

Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường câu móc với đối tượng vận chuyển hàng hóa trên biển. Hoạt động mua bán trái phép xăng, dầu thường tập trung nhiều ở vùng biển đặc quyền kinh tế phía Nam, các đối tượng thực hiện việc mua bán, rồi đưa hàng hóa vào đất liền tiêu thụ và trực tiếp bán cho các chủ tàu cá. Việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa chủ yếu vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng khi thời tiết trên biển xấu, sóng to, gió lớn hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tập kết, sang mạn, vận chuyển, giao nhận hàng lậu ở trên biển hoặc khu vực ven biển, Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Tăng cường tuyên truyền, thực thi pháp luật trên biển

Theo nhận định của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, lợi dụng vùng biển rộng, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với cơ quan thực thi pháp luật. Hiện nay dịch Covid-19 ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài dẫn đến việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, vi phạm pháp luật như buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa… gia tăng. Trong đó, buôn lậu, vận chuyển các mặt hàng như xăng dầu, than, ma túy… qua đường biển luôn có nguy cơ cao. Do vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển cần có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn.

Để công tác đấu tranh với các loại hình tội phạm trên biển đạt hiệu quả cao, lực lượng Cảnh sát biển đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, lực lượng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong nắm, trao đổi tình hình, tổ chức các hoạt động nghiệp vụ để chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.

Lực lượng Cảnh sát biển cũng sẽ tiếp tục đổi mới trong trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động của tội phạm, vi phạm trên biển; đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ, trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến, vùng biển trọng điểm…

Đặc biệt, để góp phần đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào cuộc sống, giúp nhân dân các tỉnh ven biển và ngư dân hoạt động trên biển nắm được các quy định, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, lực lượng Cảnh sát biển đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh ven biển tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật trên biển cho ngư dân, thuyền viên, phương tiện có hoạt động trên biển…

Thời gian tới, để nhân dân, bà con ngư dân đi biển cùng phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển trong thực thi các chính sách quy định trên biển đạt hiệu quả cao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng sẽ tích cực xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam sâu rộng và rộng khắp hơn. Từ đó, để nhân dân và ngư dân có hoạt động trên biển thêm hiểu biết về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo, sẵn sàng chung sức, chung lòng với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mai Phương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang