Hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế lĩnh vực an ninh lương thực, phát triển thị trường xuất khẩu

author 06:43 04/10/2022

(VietQ.vn) - Với định hướng phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, mở rộng thị trường, phát huy lợi thế, xoay trục sản phẩm… ứng phó với những biến động của kinh tế thế giới, ngành nông nghiệp đang bứt tốc trong những tháng cuối năm, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD.

Nông lâm thủy sản xuất siêu 6,9 tỷ USD

Tại buổi Họp báo thường kỳ ngày 3/10/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7%; trong đó xuất khẩu khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD nông lâm thủy sản trong năm 2022.

Về xuất khẩu, nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38,0%; chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18,4%.

Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: cà phê đạt 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su đạt trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu đạt khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); cá tra đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%); tôm đạt gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%); phân bón các loại 900 triệu USD (tăng 170,4%); thức ăn gia súc đạt 861 triệu USD (tăng 9,7%).

Về thị trường xuất khẩu, 9 tháng năm 2022, các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 43,7% thị phần), châu Mỹ (28,3%), châu Âu (11,6%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,7%).

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần). Thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay, Bộ đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Gần đây, 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

9 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 83,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bứt tốc trong những tháng cuối năm

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong những tháng cuối năm 2022, toàn ngành sẽ nỗ lực để cả năm đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2,8 - 3,0% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD).

Để đạt được mục tiêu trên, đồng thời giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực thực phẩm, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, như mới đây là chính sách “phát triển nông nghiệp bền vững” của Thái Lan, Châu Âu ban hành “Chính sách nông nghiệp chung mới”, Ấn độ hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc dần nới lỏng hạn chế xuất nhập khẩu khi thực thi chính sách “zezo Covid”… 

Tăng cường hợp tác quốc tế; tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu; hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế lĩnh vực an ninh lương thực. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN; gia tăng chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực thực phẩm; phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc, mở rộng thị trường mới, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, xoay trục sản phẩm xuất khẩu, như xoay sang xuất khẩu viên nén sử dụng để thay thế nguồn cung khí đốt cho các nước trong bối cảnh nguồn cung khí đốt đang hạn hẹp; tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế.

“Tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến sâu nông lâm thủy sản, xây dựng các vùng nguyên liệu, thực hiện chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc. Thực hiện chủ động về nguyên liệu, chế biến và làm tốt công tác thị trường, thực hiện tốt đồng bộ 3 yếu tố trên để quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD nông lâm thủy sản trong năm nay” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.  

Lê Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang