Các loại thuốc tuyệt đối không nên kết hợp với nhau

authorNgọc Nga 14:08 28/11/2021

(VietQ.vn) - Nhiều người bệnh sử dụng thêm thuốc bổ mua ở ngoài cùng với thuốc điều trị theo kê đơn của bác sĩ mà không lường trước rủi ro tiềm ẩn trong cách điều trị này.

Một điều ít ai chú ý là cứ hai thứ thuốc vào cơ thể đã có tương tác, khỏi cần đến nhiều thứ thuốc. Tương tác có lợi là khi thuốc hỗ trợ nhau tăng cường tác dụng. Tương tác bất lợi là làm giảm tác dụng của nhau, có khi gây ra độc tính, ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh tình trở nên nặng hơn.

Có quá nhiều loại thuốc khiến người bệnh lúng túng. Ảnh minh họa 

Thuốc trị nghẹt mũi và thuốc long đờm

Thuốc trị nghẹt mũi có cơ chế co mạch máu làm giảm dịch mũi chảy ra, còn thuốc long đờm lại có cơ chế tăng tiết dịch để làm hóa lỏng đờm. Nghẹt mũi có bản chất là dịch mũi chảy ra quá nhiều. Cơ chế là do mạch máu của niêm mạc mũi họng giãn quá mức. Trị chứng khó chịu này thực ra không quá khó. Chỉ cần dùng một vài loại thuốc co mạch là giải quyết được. Thuốc co mạch làm co mạch máu và giảm dịch mũi chảy ra gần như ngay lập tức.

Nhưng nếu như vậy thì không nên dùng long đờm. Cơ chế cơ bản của thuốc này là làm đứt các cầu nối -S-S-, cầu nối cơ bản trong đờm nhầy ở đường hô hấp. Nhưng một trong các cơ chế khác đó là tăng tiết dịch để làm hóa lỏng đờm. Cơ chế này hoàn toàn đối kháng với thuốc làm co mạch mũi. Do đó hai thuốc này không thể dùng chung với nhau vì chúng làm giảm tác dụng của nhau.

Canxi và thuốc

Canxi dễ kết hợp với một số thành phần trong thuốc tạo nên hợp chất khó hấp thu, giảm hiệu quả điều trị một số nhóm thuốc chống loãng xương, thuốc kháng sinh tetracycline fluoroquinolone và levothyroxine, thuốc trị bệnh tuyến giáp… Uống bổ sung canxi cùng với nhiều loại thuốc cũng gây ra phản ứng kết tủa hình thành sỏi tại các bộ phận như gan, mật.

Melatonin và thuốc chống đông máu

Bổ sung Melatonin nhằm tăng ổn định tế bào, điều hòa giấc ngủ, nhịp sinh học, giảm stress được rao bán dưới dạng thực phẩm chức năng. Nhưng Melatonin làm giảm đông máu nên những bệnh nhân đang uống thuốc chống đông máu có thể bị tăng cháy máu, thâm tím, khó cầm vết thương. Những bệnh nhân phải dùng thuốc kiểm soát huyết áp cũng sẽ bị giảm tác dụng khi uống chung với Melatonin.

Thuốc kháng sinh và truyền đạm

Một trong các nguyên tắc điều trị với thuốc kháng sinh là không nên truyền đạm đồng thời. Điều cơ bản nhất trong dùng thuốc kháng sinh là phải đủ liều lượng, mà cụ thể ở đây là liều lượng được thể hiện trong máu. Chỉ cần giảm nồng độ thuốc hoạt hóa sẽ làm giảm hiệu lực tiêu diệt vi khuẩn.

Cần hiểu rằng, không phải thuốc vào cơ thể là tác dụng ngay. Phần lớn thuốc được kết hợp với protein trong máu và không có hoạt tính diệt khuẩn. Chúng là một dạng dự trữ thuốc. Phần nhỏ thuốc tồn tại ở dạng tự do và dạng này mới là dạng chính để thể hiện tác dụng. Khi đang dùng kháng sinh điều trị, việc truyền đạm làm tăng nồng độ đạm trong cơ thể. Hệ quả là tăng chất gắn kết thuốc làm giảm nồng độ thuốc ở dạng hoạt hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt tính điều trị.

Thuốc Bắc và thuốc Tây

Các vị thuốc bắc như ngưu hoàng, phèn chua, chu tằng, hoạt thạch, mẫu lệ, trân châu… đều chứa ion kim loại như canxi, magiê, nhôm… Vì vậy khi uống thuốc Bắc với thuốc Tây sẽ gây ra phản ứng của ion kim loại với các hoạt chất trong thuốc Tây hình thành thành phần khó hấp thu, làm giảm tác dụng của cả hai loại. Một số loại thuốc Bắc được bào chế dưới dạng nung sẽ hấp phụ làm giảm hiệu quả điều trị của các loại thuốc Tây cường tiêu hóa.

Thu Phương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang