Các nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành

author 13:47 29/10/2024

(VietQ.vn) - Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, các nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép.

Quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử để chống hàng giả

Ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam cho biết, các nước trên thế giới và trong khu vực đã triển khai bán thuốc online từ nhiều năm qua. Ví dụ những sàn thương mại điện tử hoặc những ứng dụng nổi tiếng thế giới như Amazon (toàn cầu), Uber (công ty vận tải bán cả thuốc) ở Mỹ, Trung Quốc có ứng dụng Wedoctor, Ấn Độ có 3 - 5 ứng dụng. Tất cả những ứng dụng này đều ra mắt và triển khai vào cuộc sống từ những năm 2019 trước đại dịch COVID-19 vì nhu cầu mua thuốc online không phải chỉ phát sinh từ đại dịch.

Tại nhiều nước đặc biệt là Mỹ và châu Âu đang cho người bệnh tự đưa đơn thuốc của mình lên mạng để mua bán và chịu trách nhiệm về đơn mình đưa, không giám sát nguồn gốc đơn thuốc cho từng giao dịch. Chủ yếu trông vào sự chân thật, tôn trọng pháp luật và sự hiểu biết về sức khỏe của chính mình, của mỗi người bệnh.

Ở Việt Nam, bán thuốc online bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh. Theo ước tính thị trường thuốc online Việt Nam năm 2024 đang đạt khoảng 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Tuy nhiên một thực tế cho thấy có nhiều hình thức trá hình cho việc bán thuốc online để lách luật, để xóa dấu vết. Thậm chí tình trạng bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng cũng tràn lan.

Tham gia ý kiến tại phiên họp Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đại biểu tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Đại biểu nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép.

Đại biểu cho rằng, sau khi Luật được thông qua, Bộ Y tế có Thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay. Dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.

Đại biểu cũng cho rằng, cần thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cần ý thức rõ vị trí của ngành dược trong nước, tránh việc các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước chưa đảm bảo được chất lượng, người dân không sử dụng được dược phẩm đạt chất lượng như mong muốn.

Về quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đại biểu cho biết số lượng công ty phân phối và nhà thuốc bán lẻ tăng nhanh, nhưng chưa có biện pháp quản lý như biên chế thanh tra, quy định về vốn, khoảng cách giữa các nhà thuốc. Tình trạng mua bán, trà trộn thuốc giả, kém chất lượng vẫn có thể xảy ra do thiếu quản lý hiệu quả hệ thống phân phối…

Phải đảm bảo chất lượng thuốc, có nguồn gốc xuất xứ an toàn cho người dân

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lann - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều vấn đề còn tồn tại trong dự thảo sửa đổi Luật Dược, liên quan đến quản lý số lượng đăng ký thuốc, ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đấu thầu thuốc, cũng như quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đại biểu đề xuất cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để giải quyết các bất cập này, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược và bảo vệ sức khỏe người dân.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần bổ sung các quy định về nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành dược ở Việt Nam. Theo đại biểu, chuyển đổi số cần được bổ sung vào Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành Dược. Cụ thể, việc triển khai kê đơn thuốc qua mạng cần được thực hiện từng bước và quyết liệt để đảm bảo quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn, theo dõi tốt hơn hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ, khi quản lý về giá thuốc thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc.

Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thừa nhận kinh doanh thuốc khó nằm ngoài xu hướng mua bán online nên khi sửa đổi Luật Dược lần này, Bộ Y tế đã đề xuất các quy định liên quan phương thức kinh doanh online. Tuy nhiên, thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng. Vì vậy việc mua bán online cần có hành lang pháp lý để tăng cường quản lý sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.

Ông Lê Việt Dũng thông tin thêm đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và buộc phải tuân thủ những quy định nhất định. Chẳng hạn phải đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc, có giấy phép hoạt động. Đồng thời dự thảo cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ... không được phép kinh doanh online. Những nhà thuốc này chỉ được bán thuốc không kê đơn", ông Dũng nêu rõ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), cũng cho rằng đầu tiên phải quản lý được các cơ sở kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử. Việc này cần có sự kết hợp của Cục Quản lý Dược, Bộ Công Thương... Kế đến phải đảm bảo được chất lượng thuốc, vận chuyển thuốc từ người bán đến tay người mua.

"Đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng thuốc. Dù là mua trực tiếp hay mua thuốc online, người dân cần hiểu loại thuốc đó có phải thuốc kê đơn hay không. Cần đòi hỏi việc giao hàng phải đảm bảo, lựa chọn các cơ sở uy tín để mua hàng", ông Hoàng khuyến cáo.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang