Các nước cấm xuất khẩu gạo- Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội vàng

author 08:49 02/08/2023

(VietQ.vn) - Việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, Ấn Độ- quốc gia chiếm thị phần khoảng 40% thị trường xuất khẩu trên thế giới cấm xuất gạo, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tạm dừng xuất khẩu gạo, đã khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh. Bộ NN&PTNT đang nỗ lực phối hợp cùng các bên liên quan để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội vàng xuất khẩu gạo năm 2023.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT diễn ra chiều 1/8/2023 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian gần đây, tình hình XK gạo trên thế giới biến đổi liên tục. Việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ- quốc gia chiếm thị phần khoảng 40% thị trường xuất khẩu trên thế giới cấm xuất gạo, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tạm dừng xuất khẩu gạo, cũng như các vấn đề phát sinh khác…, đã khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh. Thêm vào đó hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán đang cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Nỗ lực không để bỏ lỡ cơ hội vàng xuất khẩu gạo năm 2023

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là cơ hội cho gạo Việt Nam, trong khi gạo Việt có chất lượng cao, giá trị cao, đặc biệt là gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan, Ấn Độ đang là thuận lợi lớn cho Việt Nam thực hiện mục tiêu xuất khẩu gạo trên 7 triệu tấn gạo, thu về 4,1 tỷ USD. 

Đây là vừa là tình thế thời cơ, vừa chớp cơ hội nhưng cũng có sự chia sẻ. Trong bao năm qua, Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực trong nước, khu vực và thế giới. Như vậy, chúng ta vừa đảm bảo sự tăng trưởng, vừa đảm bảo chia sẻ với cộng đồng và chia sẻ với khu vực và thế giới”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ. 

Cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2023 đạt 4,84 triệu tấn với giá trị 2,58 tỉ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong những ngày gần đây, giá gạo tăng rất cao đã đẩy giá lúa tại ĐBSCL tăng. Cụ thể, giá lúa IR50404 tăng lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng lên mức 6.800 đồng/kg; lúa đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, diễn biến giá gạo thế giới tăng cao trong những ngày gần đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cần phải tận dụng để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, nếu không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội này. 

Theo ông Cường, kế hoạch năm nay, cả nước gieo cấy 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn lúa. Để tận dụng, nắm bắt thời cơ xuất khẩu gạo, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích trồng lúa trong vụ thu đông ở ĐBSCL lên 700.000 ha, trong khi theo kế hoạch từ đầu năm là khoảng 650.000 ha. 

Ông Cường cũng nhấn mạnh, năm 2022, Việt Nam có sản lượng lúa trên 42 triệu tấn thì xuất khẩu được 7,13 triệu tấn gạo. Còn năm nay, dự kiến sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa (thậm chí có kịch bản còn nhiều hơn) thì đương nhiên có thể xuất khẩu gạo vượt kỷ lục của năm 2022. Dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo. Hiện nay, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhưng sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước. 

"Khi chúng tôi cân đối nhu cầu tiêu thụ gạo cho 100 triệu dân, lượng gạo sử dụng trong chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự trữ... đều chủ động nâng lên tỷ lệ rất cao. Ví dụ, thống kê trung bình mỗi tháng 1 người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 7,5 kg nhưng khi tính toán đã nâng lên 9 kg/tháng. Do vậy, dù chúng ta có xuất khẩu đến 8 triệu tấn gạo cũng không ảnh hưởng gì đến nguồn cung gạo cho nhu cầu ở trong nước, đảm bảo an ninh lương thực"- ông Cường khẳng định. 

 Việt Nam cần tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo đồng thời đảm bảo an ninh lương thực trong nước

Về cơ sở chớp cơ hội thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, giống lúa Việt Nam đạt 85%, gạo đạt 89% chất lượng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Vụ lúa gạo Việt Nam chỉ có 3 tháng.

Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ có những kế hoạch giám sát, quy hoạch và sử dụng chế phẩm sinh học bảo đảm thắng lợi mùa vụ cũng như mở rộng một phần diện tích. Đây là cơ sở thực tiễn và khoa học để khẳng định có một vùng canh tác thắng lợi, đảm bảo cung cấp lương thực trong nước, dự trữ, làm giống và chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh nỗ lực của Bộ NN&PTNT cũng cần sự phối hợp của các bên liên quan. Xuất khẩu gạo, ngoài khâu sản xuất của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT các địa phương còn có Bộ Công Thương và các ban/ngành liên quan. Trong đó có sự phân định giải pháp và trách nhiệm của các bên. Do đó, cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội vàng xuất khẩu gạo năm 2023”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Được biết, để tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay, ngày 31/7/2023, Bộ NN-NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang