Các sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm có tỉ lệ làm giả rất cao

author 10:05 07/03/2023

(VietQ.vn) - Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), các sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm có tỉ lệ làm giả rất cao bởi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền để mua những sản phẩm tốt cho cơ thể. Trong khi đó, mạng xã hội phát triển và trở thành kênh quảng cáo, bán hàng rất mạnh, các sản phẩm hoá phẩm, mỹ phẩm kém chất lượng cũng vì thế đến tay người tiêu dùng nhanh hơn.

Thời gian qua, các mặt hàng hóa mỹ phẩm, dược phẩm nằm trong nhóm sản phẩm bị làm giả trầm trọng, có mức độ lưu thông lớn trên thị trường Việt Nam. Lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhưng tình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng vi phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi.

Điển hình, ngay đầu năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phối hợp lực lượng chức năng Quận Gò Vấp ập vào kiểm tra kho hàng mỹ phẩm giả số lượng khủng trên địa bàn. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 31.000 sản phẩm gồm gel lột mụn, nước hoa, xịt chống nắng là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng.

Lực lượng chức năng đang kiểm đếm tang vật. 

Làm việc với lực lượng chức năng, Ngô Thái Hòa (29 tuổi, quê Long An), chủ kho hàng cho biết, không có đăng ký kinh doanh, chỉ bán hàng online. Hòa khai đây là hàng hóa trôi nổi trên thị trường, được Hòa mua lại từ trên mạng với giá rất rẻ và giao dịch thông qua chuyển khoản, Hòa không biết rõ đối tác giao dịch là ai. Hòa thừa nhận không biết nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của số hàng hóa nói trên. 

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Thanh Oai phát hiện và triệt phá kho hàng “khủng” có dấu hiệu sản xuất, tiêu thụ mỹ phẩm giả. Cụ thể, Tổ công tác phát hiện nhiều công nhân bên trong một kho hàng có địa chỉ tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai đang tiến hành sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu nước ngoài. Ngoài ra, tại địa điểm này cũng phát hiện số lượng lớn sản phẩm mang nhãn hiệu COLLAGEN X12 OLIVE, Pink Lady Shower,…

 Các sản phẩm mỹ phẩm bị làm giả.

Đáng chú ý, tại kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện nhiều máy móc do chủ cơ thực hiện sản xuất các sản phẩm giả mang thương hiệu nước ngoài. Khi lực lượng vào kiểm tra, các xô chậu chứa hoá chất, mùi hôi nồng nặc và rất nhiều bọt. Số hoá chất này được chủ cơ sở sản xuất sau đó thực hiện “sang chiết” vào chai lọ có dán nhãn mác thương hiệu COCO CHANEL và các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng khác.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở là Nguyễn Hữu Duy, trú tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến số lượng lớn sản phẩm này, cũng như giấy tờ sản xuất, bao bì, chai lọ, các nhãn mác của các thương hiệu nói trên.

Liên quan đến vấn đề trên, theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, các sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm có tỉ lệ làm giả rất cao bởi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền để mua sản phẩm tốt cho cơ thể. Trong khi đó, mạng xã hội phát triển và trở thành kênh quảng cáo, bán hàng rất mạnh, các sản phẩm hoá phẩm, mỹ phẩm kém chất lượng cũng vì thế đến tay người tiêu dùng nhanh hơn. 

Thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường xác định hoá, mỹ phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khoẻ người dân, do vậy đây là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, nhất là trên môi trường Internet. Ngay từ đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã có những chuyên đề phát hiện, tấn công các cơ sở kinh doanh vi phạm liên quan đến các mặt hàng hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm. Nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng đã chuyển cơ quan công an để tiếp tục điều tra, khởi tố.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang