Cách chọn dàn loa hát karaoke phù hợp cho gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán

author 11:57 26/01/2024

(VietQ.vn) - Vào dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu mua một dàn loa karaoke phục vụ cho gia đình tăng cao. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ am hiểu để chọn mua được một bộ loa như ý.

Trong không khí rộn ràng của mùa Tết Nguyên Đán, việc chuẩn bị cho những buổi hát karaoke gia đình trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là dịp để gia đình quây quần, mà còn là cơ hội để tận hưởng những giây phút giải trí sôi động và ấm cúng. Để tạo nên không gian âm nhạc hoàn hảo, việc chọn lựa một dàn loa hát karaoke phù hợp sẽ là yếu tố then chốt. Dưới đây là những gợi ý chi tiết để người tiêu dùng có thể tự tin lựa chọn dàn loa phù hợp

Theo nhu cầu sử dụng

Tùy theo nhu cầu sử dụng, người dùng có thể chọn dàn karaoke ghép nối sẵn hoặc tự ghép nối với mức chi phí phù hợp với tài chính của gia đình mình. Hơn nữa, nếu gia đình thường xuyên hát karaoke cùng nhau và quan tâm đến chất lượng âm thanh thì nên chọn dàn karaoke có thương hiệu nổi tiếng để đảm bảo độ bền sản phẩm trong suốt quá trình sử dụng cũng như chất lượng âm thanh đầu ra.

Người dùng cũng có thể sử dụng thêm các loa có hỗ trợ định dạng phân giải cao (như hình ảnh giống nhừ từ đầu đĩa Blu-ray và công nghệ 3D) để đạt âm thanh đầu ra có chất lượng hoàn hảo nhất.

Chọn công suất loa phù hợp nhu cầu nghe nhạc và diện tích phòng

Công suất loa cần phải phù hợp không gian phòng và nhu cầu thưởng thức âm nhạc của gia đình. Có 2 loại công suất là công suất đỉnh (PMPO) và công suất định mức (RMS). Công suất đỉnh là công suất tối đa mà trong một thời gian ngắn loa có thể lên được, còn công suất định mức là mức công suất mà loa phát liên tục mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ của nó. Dưới đây là công suất phù hợp cho không gian phòng của từng gia đình

Không gian giải trí dưới 20m2: Nên chọn loa có công suất 50 - 100W.

Không gian giải trí từ 20 - 40m2: Nên chọn loa có công suất từ 100 - 200W.

Không gian giải trí từ 40 - 60m2: Nên chọn loa có công suất từ 200 - 350W.

Không gian giải trí trên 60m2: Nên chọn loa có công suất trên 350W.

Chọn loa có đầy đủ cổng kết nối

Người tiêu dùng nên ưu tiên chọn mẫu loa karaoke được trang bị đầy đủ các cổng kết nối phổ biến hiện nay như cổng HDMI, cổng chuẩn MHL, cổng USB và một số cổng kết nối không dây khác.

Nên lựa chọn dàn loa karaoke có đầy đủ cổng kết nối phục vụ cho gia đình

Trong đó, việc sử dụng cổng kết nối không dây giúp bạn giảm thiểu tình trạng ghép nối dây phức tạp, làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của dàn karaoke của gia đình bạn cũng như tạo điều kiện thuận tiện cho việc sử dụng nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể chọn mua dàn karaoke có sử dụng loa Subwoofer và loa surround không dây để giảm thiểu tối đa việc sử dụng dây kết nối mà vẫn đảm bảo tính truyền tải ổn định.

Chọn mua amply cho dàn karaoke

Ngoài củ loa, amply là thiết bị rất quan trọng để âm thanh đạt chất lượng tốt nhất. Do đó khi chọn mua amply cho dàn karaoke, người dùng cần chú ý đến 2 yếu tố sau:

- Trở kháng (đơn vị Ohms): Nên chọn trở kháng amply nhỏ hơn hoặc bằng trở kháng loa.

- Công suất trung bình của loa: Nên chọn công suất loa nhỏ hơn so với tổng công suất của amply (hoặc công suất amply gấp 2 lần công suất loa).

Ví dụ: Người dùng nên chọn amply có công suất 300W mỗi kênh và trở kháng amply khoảng 4 Ohms nếu sử dụng cặp loa có công suất trung bình 200W mỗi loa và có trở kháng loa 8 Ohms.

 Amply quyết định một phần không nhỏ cho chất lượng âm thanh của dàn karaoke. Ảnh minh họa

Thực tế, amply hỗ trợ giúp âm thanh trở nên cuốn hút hơn, chứ không phải chọn amply có công suất càng lớn thì chất lượng âm thanh sẽ càng tốt. Do đó, người dùng nên chú trọng đến thiết bị phát âm thanh như loa. Ngoài ra khi chọn mua amply, người dùng cũng nên kiểm tra và ưu tiên chọn amply không có bị rè hoặc hú rít chói tai mỗi khi điều chỉnh âm lượng.

Tiêu chí chọn đầu phát karaoke

Một đầu hát karaoke chất lượng phải đáp ứng tốt các tiêu chí sau: Hỗ trợ nhiều cổng kết nối như cổng LAN, cổng HDMI, cổng USB,... khả năng truyền tải dữ liệu nhanh chóng, tốc độ truy xuất âm thanh và hình ảnh sắc nét, mượt mà. Tuy nhiên hiện nay đa số gia đình đều sử dụng tv thông minh do đó đầu phát thường được sử dụng với loại micro không dây.

Chọn micro karaoke phù hợp

Khi chọn mua micro karaoke, người mua cần chú ý đến độ vang, độ nhạy và khả năng hút giọng tốt của thiết bị. Các yếu tố này sẽ hỗ trợ giọng hát trở nên rõ nét, mềm mại và giảm thiểu tình trạng gồng hơi cho cho người hát trong suốt quá trình "biểu diễn".

Để thử micro, người dùng có thể hát một câu trong lời bài hát trên micro bằng cách đưa micro ra xa từ từ và ngược lại để kiểm tra được độ vang và độ nhạy thực tế của thiết bị. Người dùng cũng nên ưu tiên chọn micro hỗ trợ bắt được tín hiệu xa, để thuận tiện cho việc sử dụng và di chuyển.

Kiểm tra chất lượng âm thanh dàn loa và những lưu ý khác

Người dùng có thể kiểm tra chất lượng loa bằng cách nghe thử 3 loại nhạc (nhạc bolero, không lời và nhạc sống) với 3 dải tần số âm thanh khác nhau. Nếu loa cho ra chất lượng âm thanh mượt mà ở cả 3 dải âm thì chứng tỏ sản phẩm đạt chất lượng âm thanh tốt. Ngoài ra, người dùng không nên mua loa có công suất nhỏ cần tăng volume đến 100% mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng, vì sẽ làm loa bị rè và nhanh hỏng.

Một lưu ý khác, người dùng cần phân biệt loa để nghe nhạc và loa hát karaoke, thực tế hai loại loa này có chức năng hoàn toàn khác nhau với cấu tạo khác nhau. Tuy nhiên, một vài người dùng thường dùng loa nghe nhạc để hát karaoke, điều này sẽ làm cho chất lượng âm thanh bị giảm, nếu sử dụng nhiều sẽ gây ra hiện tượng cháy loa.

Khi mua loa karaoke cho gia đình người mua cần lựa chọn cơ sở kinh doanh uy tín, có đầy đủ giấy tờ, chứng nhận an toàn cháy nổ, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Không nên lựa chọn các dòng loa trôi nổi, tự lắp ráp không đảm bảo tiêu chuẩn gia công, thiết kế vì nguy cơ chập điện, cháy nổ rất cao.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6697-5:2009 (IEC 60268-5 : 2007) về Thiết bị của hệ thống âm thanh - Phần 5: Loa

Có hướng dẫn cụ thể về cách lắp đặt loa và mắc tải để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trong Điều 10. Lắp đặt loa cụ thể:

10.1. Lắp đặt và mắc tải âm thanh của các bộ kích

Tính năng của bộ kích được xác định bởi các tính chất của bản thân bộ kích đó và tải âm thanh của nó. Tải âm thanh phụ thuộc vào việc bố trí lắp đặt mà việc này phải được mô tả rõ ràng khi thể hiện kết quả.

Một trong ba kiểu lắp đặt sau đây được sử dụng:

a) ván loa tiêu chuẩn, hộp loa đo tiêu chuẩn (kiểu A hoặc kiểu B), hoặc hộp loa quy định;

b) để tự do trong không khí, không có ván loa hoặc hộp loa;

c) để trong trường tự do nửa không gian ngang bằng với mặt phẳng phản xạ.

CHÚ THÍCH: Điều kiện lắp đặt a) gần với điều kiện trường tự do nửa không gian ở tần số giới hạn thấp hơn, giá trị này tuy thuộc vào khoảng cách đo được chọn. Các phép đo tiến hành ở tần số thấp hơn tần số giới hạn này chỉ có thể dùng cho mục đích so sánh.

10.2. Lắp đặt và mắc tải âm thanh của hệ thống loa

Hệ thống loa thường được đo không có ván loa bổ sung. Nếu nhà chế tạo quy định kiểu lắp đặt đặc biệt cho loa thì kiểu lắp đặt này phải được dùng cho phép đo và phương pháp lắp đặt đó phải được nêu cùng kết quả.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang