Cách nhận biết bình gas chính hãng bằng mắt thường và công nghệ quét đảm bảo tiêu chuẩn

authorVân Thảo 07:23 27/06/2024

(VietQ.vn) - Trên thị trường hiện nay, nhiều loại bình gas được làm giả tinh vi, tràn lan, gây hoang mang đối với người tiêu dùng. Do đó để đảm bảo an toàn, chất lượng nên trang bị những kiến thức cơ bản để phân biệt bình gas thật hay giả.

Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh gas cho biết, trong những năm gần đây hiện tượng hoán cải bình gas, chiết nạp trái phép, giả mạo sở hữu công nghiệp… gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đáng chú ý, hiện tượng hoán cải bình gas ngày càng nhiều.

Theo các doanh nghiệp, việc đầu tư vào vỏ bình gas chiếm khoảng 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Vì vậy, những doanh nghiệp thiếu khả năng không dám hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, đối tượng có những “lò sản xuất” chuyên trách nhiệm vụ mài mòn vỏ bình phần thương hiệu dập nổi, sau đó đắp thương hiệu mới lên, sơn lại đồng thời cắt quai bình gas cũ, hàn quai mới. Ngoài ra, đối tượng còn cắt thân bình gas thương hiệu này ráp vào bình thương hiệu khác kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, sau đó cho ra lò một bình gas với thương hiệu lạ. Đó là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ cháy nổ, gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay. Do đó để đảm bảo an toàn và chất lượng người tiêu dùng nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để lựa chọn thông minh.

Cách phân biệt bình gas thật – giả bằng mắt thường

Đối với bình gas thật: Theo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ. Bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Sau đó vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực… rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường. Với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của nhà sản xuất chính hãng sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại… để xóa mọi dấu vết của vỏ bình gas chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác.

Tem nhãn hàng hóa rõ ràng, ghi rõ tất cả các thông tin liên quan đến bình gas: tiêu chuẩn, chất lượng, trọng lượng của bình gas, trạm chiết và thông tin của doanh nghiệp...

Mua và sử dụng gas cần biết cách phân biệt thật giả thông qua nhiều cách như bằng mắt thường và sử dụng công nghệ quét. Ảnh minh họa

Nhiều loại niêm màng co khác nhau: màng co, niêm trắng, niêm phát sáng, tem chống hàng giả… Dù bằng loại niêm nào, tất cả các bình gas chính hãng đều có đầu van được niêm kín, chưa qua sử dụng. Thân bình, các chi tiết và phụ kiện kèm theo khi mua hàng đảm bảo còn mới, không bị bong tróc hoặc gỉ sét… Địa chỉ cung cấp và chiết gas rõ ràng, điều kiện kinh doanh gas theo quy định của Bộ Công thương.

Gas giả, kém chất lượng: Với bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của hãng gas chính hãng sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại... để xóa mọi dấu vết của vỏ bình gas chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác.

Tem nhãn hàng không rõ ràng, không có đầy đủ các thông tin liên quan hoặc thông tin không chính xác, trọng lượng ghi trên vỏ bình không đúng với trọng lượng thật của bình gas. Bình gas không có niêm phong hoặc dùng niêm phong giả, điểm này rất dễ nhận biết so với các dấu hiệu còn lại.

Các chi tiết trên thân bình gas giả không hoàn hảo như bình gas chính hãng; các phụ kiện kèm theo như van bình, dây dẫn gas nhìn không còn mới, cũ kỹ, có dấu hiệu dễ bong tróc, gỉ sét.

Hàng giả thường làm nhái hình ảnh thương hiệu lớn, phát tờ rơi đến từng hộ dân, giao gas thông qua số điện thoại nhưng không cung cấp địa chỉ cụ thể và thường nhân viên tự nhận bảo dưỡng, thay số điện thoại cũ…

Nhận biết bình gas thật – giả bằng công nghệ quét

Mặc dù, cách nhận biết bằng mắt thường rất hữu ích nhưng khi công nghệ làm giả ngày càng tinh vi thì người tiêu dùng nên sử dụng thiết bị thông minh để quét mã QR code được dán nguyên vẹn trên niêm màng co tại van đầu bình gas các nhãn hiệu bình gas để truy tìm nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay có rất nhiều hãng gas đã hỗ trợ công cụ này để giúp người tiêu dùng nhận biết bình gas chính hãng.

Sử dụng công nghệ tem nước bằng cách bôi nước lên phần màu vàng bên phải của con tem sẽ thấy hiển thị chữ của sản phẩm chính hãng. Hoặc sử dụng công nghệ tia cực tím bằng cách chiếu đèn tia cực tím (bằng đèn soi tiền) lên phần trái con tem, chữ của hãng gas sẽ xuất hiện.

Cách sử dụng an toàn

Nhiều người có thói quen sau khi nấu nướng xong không khóa van gas điều này khá nguy hiểm bởi khí luôn tràn trong dây dẫn, một thời gian dài hoặc qua một đêm dây dẫn bị chuột cắn, khí gas sẽ rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ gây hỏa hoạn khiến gia chủ không trở tay kịp. Ngoài ra, nên vệ sinh bếp và các thiết bị sử dụng gas thường xuyên. Nên thay bếp mới nếu bếp cũ bị rỉ sét, kém chất lượng. Thông thường nguyên nhân các vụ nổ khí gas xảy ra khi gas bị rò rỉ do vỏ bình thủng, van bị hở, dây dẫn bị chuột cắn...

Để tránh rò rỉ gas, khi chọn bình gas, nên chọn đại lý chính hãng, có tên tuổi. Bạn phải biết rõ cửa hàng gas nhà mình mua ở đâu, như thế nào, tránh trường hợp đó là sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu. Bằng cảm quan, bình phải còn nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt, không chóc, rỉ, rỗ. Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết bị có thể phát sinh tia lửa điện gần đó như nổ xe máy, đánh bật lửa.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2022/BCT về an toàn chai LPG composite 

Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy định, các yêu cầu kỹ thuật an toàn trong thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, sửa chữa, kiểm định, thử nghiệm, tồn chứa, giao nhận, vận chuyển, lắp đặt và sử dụng chai LPG composite dung tích chứa từ 0,5 L đến 150 L, có mã HS 3923.30.20, 3923.30.90 hoặc 3923.90.90.

Yêu cầu về vật liệu lớp lót phải được sản xuất từ vật liệu thích hợp để chứa LPG. Các vật liệu được sử dụng phải có chất lượng đồng nhất và thích hợp. Nhà sản xuất chai composite phải xác định mỗi lô vật liệu mới có các đặc tính chính xác và chất lượng đạt yêu cầu và duy trì hồ sơ từ đó có thể xác định được lô nguyên liệu được sử dụng để sản xuất từng chai.

Vật liệu composite bọc ngoài phải là sợi carbon, sợi aramid, sợi thủy tinh hoặc bất kỳ hỗn hợp nào của chúng. Chai được bọc hoàn toàn có lớp lót bằng kim loại hoặc phi kim loại không chia sẻ tải trọng bao gồm các phần sau: Lớp lót bên trong bằng kim loại hoặc phi kim loại chịu tải trọng không đáng kể; Vòng cổ chai (metallic boss) có các kết nối ren, là một phần của thiết kế; Lớp bọc ngoài composite được tạo thành bởi các lớp sợi liên tục trong vật liệu kết dính; Vỏ bảo vệ bên ngoài (nếu có). Khi cần thiết, phải cẩn thận để đảm bảo không có phản ứng bất lợi nào giữa lớp lót và sợi gia cường bởi áp dụng lớp phủ bảo vệ thích hợp cho lớp lót trước quá trình quấn.

Các chai sản xuất trong nước, nhập khẩu từ ngày có hiệu lực của quy chuẩn này phải thực hiện công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy phù hợp với các quy định của Quy chuẩn này.

 Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang