Cách phòng, chống cháy nổ khi sử dụng thiết bị điện vào mùa nắng nóng

authorVân Thảo 09:42 15/06/2024

(VietQ.vn) - Theo khuyến cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mùa nắng nóng người dân cần nâng cao ý thức và trang bị cho mình kiến thức cơ bản trong sử dụng các thiết bị điện để giảm thiểu cháy nổ xảy ra.

Những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng về số vụ cháy, số người chết, bị thương và tài sản thiệt hại. 

Đặc biệt, nhiều vụ cháy nổ, hỏa hoạn liên tiếp xảy ra tại những căn nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy có thể gây ra hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo điều tra của lực lượng chức năng, tình trạng quá tải, chập điện, thiết bị điện không an toàn… là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố cháy, nổ với hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân. Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ do việc sử dụng điện, các thiết bị điện gây ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp sau:

 Mùa nắng nóng mỗi gia đình cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy phù hợp, trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn,... để kịp thời xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra. Ảnh minh họa

Hệ thống điện, dây dẫn điện phải có tiết diện và cách điện phù hợp, đáp ứng công suất của các thiết bị sử dụng điện; có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng phòng, khu vực và các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn; cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí dễ thấy, thuận tiện cho việc ngắt điện; đường dây dẫn điện phải được đi trong ống gel bảo vệ.

Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đối với hệ thống điện, khi phát hiện các điểm mất an toàn, điểm bất thường (dây dẫn điện bị nứt, đổi màu, đứt gẫy; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ hoạt động kém, thường xuyên xảy ra phóng điện tại các tiếp điểm; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị oxy hóa gây ra hiện tượng phóng điện, dò điện…) phải kịp thời sửa chữa hoặc thay thế để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về điện, phòng chống cháy nổ.

Hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất cao trong cùng một thời điểm; đặc biệt, không cắm đồng thời nhiều thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn trên cùng một ổ cắm; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm. Khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện cần tính toán, lựa chọn dây dẫn, thiết bị đóng cắt bảo vệ phù hợp, tránh gây tình trạng quá tải.

Khi sử dụng thiết bị đốt nóng như bếp điện, bàn là, lò sưởi, ấm điện… phải đặt trên vật liệu không cháy, đảm bảo khoảng cách với các vật liệu dễ cháy và phải có người trông coi, giám sát. Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần các đồ vật dễ cháy, nổ. Không sạc pin các thiết bị qua đêm; không nên vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, ipad, …

Bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với khu vực khác của nhà ở, sinh hoạt. Kiểm tra và tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết khi không sử dụng. Lựa chọn thiết bị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, công suất thiết bị phù hợp nhu cầu sử dụng. Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện. Sử dụng điện hàn, cắt phải thực hiện đầy đủ quy định; không câu mắc, tự ý đấu nối điện tùy tiện. Mỗi hộ gia đình phải trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy phù hợp; trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn,... để kịp thời xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thiết bị điện và điện tử

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 4 : 2009/BKHCN về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử.

Quy chuẩn kỹ thuật này quy định yêu cầu về an toàn và quản lý đối với thiết bị điện, điện tử quy định trong Danh mục tại Phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật này. Danh mục có thể được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, các thiết bị điện và điện tử quy định tại phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật này phải bảo đảm an toàn, phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia tương ứng được quy định cụ thể trong Quy chuẩn. Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR ) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thiết bị điện và điện tử phải được đánh giá, chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 “thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất". Giấy chứng nhận hợp quy khi đánh giá theo phương thức 5 có giá trị hiệu lực không quá 3 năm.

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện mới nhất áp dụng theo QCVN 01:2020/BCT được ban hành kèm theo Thông tư 39/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ Công thương. QCVN 01:2020/BCT quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn khi xây dựng, vận hành, kinh doanh, thí nghiệm, kiểm định, sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

QCVN 01:2020/BCT áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện để sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.

Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang