Cách nhận biết phụ gia thực phẩm giả, kém chất lượng
Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian triển khai thí điểm Mobile Money
Mẫu ô tô Honda City 2023: Trang bị hiện đại, an toàn cao nhưng giá chỉ từ hơn 500 triệu
Áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao là rất cần thiết
Hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm trên thế giới được phép sử dụng hơn 3.000 loại chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. Các chất phụ gia thực phẩm gồm có chất bảo quản, chất tạo vị và điều vị, chất tạo màu, chất tạo cấu trúc và nhóm các phụ gia khác. Mặc dù phụ gia thực phẩm có rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng nhưng đây là thứ không thể thiếu trong hầu hết các loại thực phẩm cũng như bữa ăn hàng ngày.
Tại Việt Nam có hơn 300 loại phụ gia thực phẩm được đưa vào danh mục được phép sử dụng. Điều đó có nghĩa nếu dùng trong giới hạn cho phép, phụ gia thực phẩm không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người mà còn giữ được thực phẩm thơm ngon và bắt mắt hơn. Ngược lại nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy định này sẽ nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm hiện nay rất đa dạng và phong phú. Trên thị trường vẫn đang tồn tại nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn được người sản xuất, chế biến, tiêu dùng sử dụng. Trong khi đó việc kiểm soát kinh doanh phụ gia thực phẩm là rất khó khăn, vì nhà nước cũng chưa có quy định pháp chế cụ thể đối với cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm nên rất khó xử lý đối với việc họ bày bán lẫn cả phụ gia thực phẩm và phụ gia công nghiệp.
Đối với việc lạm dụng phụ gia, hóa chất trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay khá phổ biến, người tiêu dùng rất lo ngại khi tình trạng sử dụng phụ gia trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng phụ gia thực phẩm vượt quá liều lượng cho phép có thể gây bệnh cho người sử dụng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc điển hình là một bệnh nhân ở Hà Nội, đã bị tan máu cấp, methemoglobin sau khi ăn thịt bò sốt vang tự nấu với bột sốt vang màu đỏ mua ở chợ. Tiếp đến là bệnh nhân nữ 44 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng thiếu máu nặng do ngộ độc thực phẩm. Qua khai thác bệnh sử sử của bệnh nhân được biết, bệnh nhân này mua 100g bột màu thực phẩm màu đỏ tươi (gọi là bột mai quế lộ) ở chợ. Bệnh nhân trộn hơn 50g bột với thịt lợn xay và gói nem rán. Bệnh nhân cùng 2 con ăn nem sau ăn bữa cuối 2 ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu, sau đó phải nhập viện.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận hai trẻ bị ngộ độc do gia đình sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Còn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho thấy, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp có biểu hiện tan máu do ngộ độc thức ăn do ăn xôi màu tím.
Cũng theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch mai, hiện chỉ các công ty sản xuất thực phẩm mới có thể đảm bảo từ việc kiểm soát nguồn hóa chất phụ gia được phép sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn tinh khiết và tính toán hàm lượng chính xác ở dưới ngưỡng an toàn quy định trước khi cho vào thực phẩm. Với người dân không nên dùng các hóa phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo, chỉ nên dùng các chất liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn như gấc, cà chua, nghệ,...Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, phân phối và sử dụng các hóa chất phụ gia thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người dân.
Được biết, theo Luật An toàn thực phẩm, phụ gia thực phẩm là “chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm”.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại sẽ gây tác hại. Vậy nên sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc, sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế.
Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.
Đối với người dân khi chọn mua thực phẩm, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn, niêm yết giá rõ ràng, không nên ham rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc.
Nhãn mác phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản...; hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm nhãn gốc. Ðối với thực phẩm đã chế biến, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng và có ghi chú về chất phụ gia.
GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo, chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên và phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn khi đưa vào cơ thể. Với những loại phụ gia thực phẩm là hóa chất, ngay cả khi đã được cho phép, cũng nên dùng càng ít càng tốt, và nếu không thật sự cần thiết thì không nên dùng.
"Phụ gia thực phẩm không phải là chất dinh dưỡng nên không có nó cũng không sao. Cảm giác ngon miệng với phụ gia thực phẩm thật ra là một thói quen, để hạn chế sử dụng phụ gia thực phẩm, cách đơn giản nhất là tập thói quen không sử dụng phụ gia", chuyên gia khuyến cáo.
Trong trường hợp vẫn sử dụng người tiêu dùng nên có cách nhận biết thông minh. Theo đó dấu hiệu nhận biết một sản phẩm thực phẩm bị cho là kém chất lượng khi: Hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố; Thành phần các chất không đúng như tiêu chuẩn quy định; Thành phần các chất trong thực phẩm có hàm lượng không nằm trong giới hạn cho phép; Sản phẩm có chứa thành phần độc hại, chất ô nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng; Đồ bao gói không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không đảm bảo.
Sản phẩm thực phẩm được cho là giả là thực phẩm có các dấu hiệu sau: Giả về chất lượng và công dụng như sử dụng phụ gia, phẩm màu cấm; Chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn; Thực phẩm kém chất lượng hoặc không đảm bảo chất lượng.
Giả nhãn hiệu hàng hóa của người khác: Giả về kiểu dáng công nghiệp; Giả về chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ nơi sản xuất, nơi đóng gói).
Giả nhãn hàng hóa: Giả nhãn của người khác; Chỉ tiêu công bố trên nhãn không phù hợp với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Sửa chữa, tẩy xóa nội dung trên nhãn.
10 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2020/TT-BYT về 10 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm. Ban hành kèm theo Thông tư này 10 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm, bao gồm: - QCVN 4-24:2020/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Calci cyclamut - QCVN 4-25:2020/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Natri cyclamat - QCVN 4-26:2020/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Calci saccharin - QCVN 4-27:2020/BYT - Ọuy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Kali saccharin - QCVN 4-28:2020/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Natri saccharin - QCVN 4-29:2020/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Sucralose - QCVN 4-30:2020/BYT - Ọuy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Alitam - QCVN 4-31:2020/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm muối Aspartam-accsulfam - QCVN 4-32:2020/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Siro polyglycitol - QCVN 4-33:2020/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm Siro sorbitol |
Ngọc Nga (T/h)