Cải cách thể chế phù hợp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – công khai, minh bạch thủ tục hành chính
Đơn giản hóa 2.352 thủ tục hành chính về kinh doanh
Việc cải cách thể chế phù hợp sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa đến hồi kết, lạm phát thế giới ở mức cao, hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ;... Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế nên chịu tác động mạnh bởi tình hình thế giới.
Chia sẻ về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh đến những khó khăn chúng ta đang phải đối mặt và nhận diện để vượt qua, nhằm đạt được các mục tiêu, mong muốn tăng trưởng kinh tế đã đặt ra.
Trước tiên là khó khăn truyền thống. Ví dụ như nâng cao hiệu quả, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. "Tôi tạm gọi đây là khó khăn truyền thống bởi đó là khó khăn thường xuyên chúng ta phải đối diện", ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, có 3 khó khăn nữa chúng ta phải đối diện: Thứ nhất, bối cảnh hiện nay có những diễn biến rất khó lường, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, chúng ta cần luôn phải bám sát và không được chủ quan.
Thứ hai, đó là chúng ta phải đối mặt với một số chính sách toàn cầu không có lợi. Ví dụ như chính sách thuế carbon đánh vào một số sản phẩm làm ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu sản phẩm. Thị trường khó khăn dẫn đến sự cạnh tranh cao hơn, do đó cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gia càng gay gắt.
Thách thức thứ ba là cải cách thể chế. Chúng ta đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thể chế. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn bởi chúng ta đang ở trong bối cảnh mới.
Ví dụ như hiện nay, việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, thì những vấn đề về thủ tục phải khác để đáp ứng với sự thay đổi, linh hoạt, chuyển biến trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần cải cách thể chế một cách phù hợp bởi nếu như cải cách không phù hợp hoặc yêu cầu quá cao sẽ khiến doanh nghiệp không thể thực hiện, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp và không đạt được hiệu quả mong muốn.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Theo Nghị quyết, giai đoạn này tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Mai Phương