Cần bình tĩnh ứng phó các vấn đề về phòng vệ thương mại khi tham gia CPTPP

author 18:51 25/11/2022

(VietQ.vn) - Hiệp định CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam nhưng cũng mang tới những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại. Hiện trong số các thành viên CPTPP, có nhiều quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thường xuyên như Cannada, Mexico, Australia, Malaysia...

Phòng vệ thương mại là tất yếu

Giữa bối cảnh hội nhập như hiện nay, phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ các nước. Thậm chí phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng, chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải coi phòng vệ thương mại là một điều tất yếu của quá trình hội nhập, đặc biệt khi chúng ta đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: VTC.

Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), CPTPP là Hiệp định với 11 thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Trong số thành viên này, chúng ta tiếp tục có quan hệ với một số đối tác trong các hiệp định thương mại tự do khác. Đồng thời có một số quốc gia chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do như Canada, Mexico...

Hiệp định CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam nhưng cũng mang tới những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại. Hiện trong số các thành viên CPTPP, có nhiều quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thường xuyên như Cannada, Mexico, Australia, Malaysia... 

“Tham gia CPTPP sẽ giúp hàng xuất khẩu của chúng ta tăng trưởng nhanh, mạnh nên kèm theo đó sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trên địa bàn sở tại, vì vậy họ sử dụng công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và CPTPP cho phép nhằm bảo vệ lợi ích doanh nghiệp nước họ. Công cụ đó là phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ”, ông Trung phân tích.

Ông Trung cho biết, trong trường hợp gặp phải các cuộc điều tra như vậy, nếu ta không có cách xử lý phù hợp có thể dẫn đến hậu quả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp thuế phòng vệ thương mại cao, làm triệt tiêu lợi ích.

"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp nhận thức được ngay từ đầu để có biện pháp chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, tận dụng cơ hội CPTPP mang lại, đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững sang các thị trường CPTPP", ông Trung nói và nhấn mạnh thêm: Khi bị điều tra, các hiệp hội, doanh nghiệp cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả để việc bị áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu.

Làm gì để ứng phó hiệu quả với phòng vệ thương mại?

Liên quan đến việc nhiều ý kiến cho rằng chính việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam đã khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, bà Trang Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc sản phẩm thép bị điều tra phòng vệ thương mại xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Về nguyên nhân khách quan đó là chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng không chỉ với ngành thép mà với tất cả các ngành. Do thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nội địa nên nhìn chung chính sách của đa số các nước đều cố gắng bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước để nâng cao giá trị gia tăng mà nền kinh tế tạo ra và có thêm việc làm cho người lao động. Vì thế, các nước đều có xu thế bảo hộ ngành thép của chính đất nước họ, từ đó dẫn đến số vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép đối với các nước gia tăng.

Việc sản phẩm thép của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, cùng với việc Việt Nam ký kết một loạt FTA song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình.

Cuối cùng là xu hướng kiện chùm, kiện domino. Các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước (các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra hoặc các nước nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế, hoặc các nước đặt trụ sở công ty mẹ-con). Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… (là các nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới).

Về nguyên nhân chủ quan, sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam có giá thành tương đối cạnh tranh do nhiều nguyên nhân khác nhau như chi phí nhân công rẻ, các doanh nghiệp đang dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào thép cán nóng… đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp nước sở tại.

Việc tiếp cận về phương pháp phòng vệ thương mại cũng như kết nối thông tin của doanh nghiệp thép với các doanh nghiệp của nước sở tại cũng như các chính sách chưa đầy đủ dẫn đến các vụ việc xung đột về thương mại. Mặc dù trong những năm trước đây sản phẩm thép đã bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam tiếp tục tăng, sản phẩm thép của Việt Nam tiếp tục tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau, làm gia tăng nguy cơ bị phòng vệ thương mại.

Để xử lý hiệu quả việc điều tra phòng vệ thương mại có thể xảy ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP, ông Chu Thắng Trung cho rằng, trước tiên doanh nghiệp phải nắm được nguyên tắc cơ bản của việc điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, qua đó doanh nghiệp mới biết được cần phải làm những gì. Tuy nhiên, cần chú ý đa dạng hóa sản phẩm để tránh lệ thuộc vào một sản phẩm của thị trường nhất định, nhằm đảm bảo nếu rủi ro xảy ra chúng ta có thể có những hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau, phân tán bớt rủi ro.

Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cố gắng cạnh tranh chất lượng, không cạnh tranh giá, hạn chế thấp nhất rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại. Nếu chẳng may bị điều tra phòng vệ thương mại doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin, phối hợp với hiệp hội cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây là Cục Phòng vệ thương mại để được cung cấp thông tin, cách thức xử lý; Duy trì hệ thống sổ sách chứng từ liên quan hoạt động giao dịch sản xuất, xuất khẩu, lưu trữ khoa học để phòng trường hợp xảy ra vụ việc điều tra chúng ta chứng minh bằng chứng từ với cơ quan điều tra; Tùy theo từng vụ việc doanh nghiệp cân nhắc sử dụng hỗ trợ tư vấn luật sư chuyên về phòng vệ thương mại, phối hợp đối tác xuất nhập khẩu.

"Tôi tin tưởng rằng với các biện pháp trên, trong trường hợp bị điều tra phòng vệ thương mại thì cũng chưa chắc dẫn đến kết quả bất lợi", ông Trung nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang