Cần các giải pháp ‘mạnh tay’ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Toyota Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp trong nước lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nỗ lực áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Thời gian qua, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước liên tục phát triển, nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả, cắt giảm chí phí. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia; tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh "làn sóng" đổ bộ của nhiều tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thực sự bắt kịp. Tỷ lệ tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành điện tử, tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng,… mới đáp ứng được khoảng 15%; các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), mối lo hiện hữu khi kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo, hạn chế tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh và tổ chức quản lý cũng như trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp đầu chuỗi.
“Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều có quy mô nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá và chất lượng cũng như tiến độ giao hàng. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do doanh nghiệp FDI cung cấp. Để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị lớn”, lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu.
Nhìn vào thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá, thời gian qua, dù đã chủ động mở cửa để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực…
Gỡ vướng từ chính sách
Tại tờ trình về việc tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (Nghị định số 111), Bộ Công Thương cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển có thể được hưởng ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài chính sách thuế, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111 đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Về tài chính, Bộ Công Thương đề xuất, trên cơ sở khả năng bố trí ngân sách trong từng thời kỳ, ngân sách Trung ương hỗ trợ bằng hình thức cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư dự án với mức cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm.
Đánh giá cao giải pháp đề xuất, bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, những chính sách này nếu được thông qua đều rất đáng quý. Tuy nhiên, theo đại diện VASI, cần có những giải pháp về tài chính mạnh hơn nữa. “Muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển phải đầu tư mới với giá hợp lý. Lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn còn rất cao, cộng thêm thị trường khó khăn thì dù có hỗ trợ cấp bù chênh lệch 3% cũng không có doanh nghiệp nào dám vay để đầu tư công nghiệp hỗ trợ”, bà Bình nêu quan điểm và cho rằng, nếu không có giải pháp tài chính thực sự mạnh thì sẽ khó nhìn thấy sự thay đổi lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cũng cho rằng cần có giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, theo một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mức hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất không phù hợp với bối cảnh hiện nay khi doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện cho vay. Chính vì vậy các doanh nghiệp cho rằng cần tục gỡ “rào cản” thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp...
Mai Phương (t/h)