Cần cho Hà Nội quyền quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt về PCCC
Hợp tác nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, thiết lập hệ thống chứng nhận, thử nghiệm
Tiêu chuẩn hỗ trợ cung cấp hệ thống y tế chất lượng cao và bền vững
Tiêu chuẩn hỗ trợ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc
Mới đây, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, qua vụ cháy chung cư mini vừa rồi mới thấy có những vấn đề còn bất cập. Tòa nhà được cấp phép 6 tầng nhưng xây dựng tới 9 tầng là vi phạm. Tuy nhiên, theo Bí Thư Thành ủy Hà Nội, điều kiện thực tế về hạ tầng, giao thông tại khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn, việc cho phép xây 6 tầng cũng đã bất cập; khu vực này có thể chỉ phù hợp xây dựng 2-3 tầng.
Từ thực tế đó, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao quyền cho Hà Nội quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn, vào những địa bàn cụ thể để đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần cho Hà Nội quyền quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt về các vấn đề giao thông, môi trường... đặc biệt là công tác PCCC.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật về phân cấp và phân quyền nên cần có sự toàn diện chứ không chỉ ở lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nội dung nào phân cấp cho thành phố cần thể hiện rõ, ngoài ra nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở.
Tình trạng cháy nổ xảy ra thường xuyên ở Hà Nội gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ảnh minh họa
Nói về việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập nhiều cơ chế đã áp dụng cho một số địa phương như TP. HCM, Khánh Hòa... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ban soạn thảo cần trao đổi với các địa phương để xem nội dung nào cần điều chỉnh, nâng cấp.
Liên quan đến vấn đề PCCC, trước đó UBND TP. Hà Nội đã đề xuất Quốc hội chỉ đạo các đơn vị rà soát, kịp thời chỉnh sửa các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn áp dụng, hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
UBND thành phố đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với một số loại hình cơ sở đặc thù của mỗi địa phương.
Đáng chú ý, UBND thành phố đề xuất Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cho phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó, trọng tâm về an toàn thoát nạn, ngăn cháy, ngăn khói, trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện cảnh báo cháy nhanh.
Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, chất lượng và trật tự xây dựng; các công trình vi phạm về trật tự, xây dựng theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố...
Bên cạnh đó, UBND thành phố đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Công an sớm nghiên cứu, đề xuất bổ sung công việc về cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; điều chỉnh công việc chữa cháy trong danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và quy định chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
An Dương (T/h)