Cần có những chính sách dài hơi để vực dậy doanh nghiệp

author 07:19 29/08/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia cho rằng, trước ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, các chính sách phải dài hơi hơn, các chính sách về giãn hoãn, tạo thị trường cần sớm thực hiện mới tạo sự liên kết mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vực dậy.

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 diễn ra từ đầu năm 2021 với biến thể Delta hoành hành làm cho nhiều tỉnh thành buộc phải giãn cách xã hội. Điều này đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn vì ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng, tốn nhiều chi phí để vừa sản xuất, vừa chống dịch. Theo nhận định từ các chuyên gia, để vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp buộc phải đối mặt và xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược để phục hồi.

Cần có những chính sách dài hơi giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Ảnh minh họa. 

Bà Vũ Thị Thuận, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Traphaco cho hay, bản thân doanh nghiệp luôn trên tinh thần tích cực phòng, chống dịch để duy trì sản xuất. Trong lúc này, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi hình thức làm việc và phương pháp quản trị là điều doanh nghiệp phải áp dụng nhanh, biến khó khăn thành thách thức để vượt qua.

“Mỗi doanh nghiệp phải xem lại toàn bộ quy trình làm việc cũng như các bộ phận của mình. Dịch gây khó khăn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến, có những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng năng suất lao động; cắt giảm chi phí không cần thiết để ứng dụng cho công nghệ”, bà Thuận nói.

Nói về các giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động giao thương hàng hóa nhiều nơi bị ách tắc, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội kiến nghị cần có biện pháp mạnh giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa. Bởi hiện nay, nhiều đối tác nước ngoài đã dừng giao thương với Việt Nam vì những lý do dịch bệnh và hàng hóa ứ đọng, sản xuất đình trệ.

“Với doanh nghiệp khó khăn nhất là không bán được hàng. Doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa mà không lưu thông được thì doanh nghiệp không có dòng tiền, tài chính không thông suốt. Do đó khu vực nào đã khoanh vùng hoặc tạo được vùng xanh, nhà nước có thể cân nhắc cho giao thương bình thường để hàng hóa được lưu thông”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Về lâu dài, ông Mạc Quốc Anh đề xuất cần tiếp tục có cơ chế miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính để phục vụ kinh doanh cũng như cho phép doanh nghiệp giãn nợ năm 2021-2022. Đặc biệt, chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí chống dịch như xét nghiệm, phun khử khuẩn; sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp triển khai vận chuyển, sản xuất bán hàng trực tiếp cho người lao động. 

“Các chính sách phải dài hơi hơn, các chính sách về giãn hoãn, tạo thị trường cần sớm thực hiện mới tạo sự liên kết mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vực dậy”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang