Cần khắc phục hạn chế ngành công nghiệp chế biến sữa tại Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa
Khơi thông động lực tăng trưởng mới- Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Cảnh báo số ca bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng gia tăng
Cảnh báo thủ đoạn giả danh thanh tra Sở Y tế bán thuốc điều trị xương khớp
Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch, các định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến nay tuy chưa đạt được đầy đủ một số mục tiêu đề ra nhưng cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2015, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 34% nhu cầu sữa chế biến thì đến năm 2020, con số đó đã là 38%.
Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người cũng có sự gia tăng đáng kể, lần lượt là 16 kg/người/ năm lên 20 kg/người/ năm và hơn 24 kg/ người/ năm vào các năm 2015, 2020 và năm 2022. Nhiều thương hiệu của công ty sữa đã được người tiêu dùng tin dùng như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH True Milk), Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk)… Sản phẩm của một số doanh nghiệp ngành sữa không những được tiêu dùng và có uy tín ở thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang thị trường gần 50 nước trên thế giới.
Các doanh nghiệp ngành sữa đã chủ động, sáng tạo tìm hướng đi thích hợp như đầu tư công nghệ mới, thiết bị dây chuyền sản xuất chế biến hiện đại cùng hệ thống phân phối thông minh để tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao và uy tín đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Ngành sữa ngày càng khẳng định vai trò trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh thực phẩm cho nước nhà.
Bên cạnh những thành tựu của ngành sữa thời gian qua, phát triển ngành sữa Việt Nam vẫn còn những bất cập, hạn chế cần khắc phục, như:
Thứ nhất, hiện nay Việt Nam mới chỉ có 25% tổng số bò sữa được nuôi tập trung ở trang trại, với trên 70.000 bò sữa (chủ yếu tại trang trại của công ty Vinamilk và TH Milk). Tuy nhiên, do nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi và giá trị đầu tư chăn nuôi còn vẫn cao dẫn đến các sản phẩm sữa của Việt Nam là một trong những sản phẩm sữa có giá thành cao so với sản phẩm sữa cùng loại trên thế giới.
Thứ hai, thiếu quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng quản lý quy hoạch còn hạn chế, mạng lưới sản xuất nguyên liệu sữa tươi và khu vực chế biến sữa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành. Ở nhiều địa phương, việc đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến mất cân đối với nguồn nguyên liệu, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dẫn tới phát triển ngành chưa ổn định, không bền vững.
Thứ ba, công nghiệp chế biến sữa vẫn còn hạn chế, dẫn đến đóng góp của công nghiệp chế biến trong nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm sữa hàng hoá hiện nay vẫn còn thấp.
Thứ tư, chất lượng và chủng loại sản phẩm sữa chưa đa dạng, phát triển các sản phẩm từ sữa chưa nhiều, tính cạnh tranh kém, giá trị gia tăng chưa cao, giá sữa xuất khẩu thường thấp hơn giá thị trường thế giới cùng loại 5-10%. Sản phẩm chế biến còn đơn điệu, việc đầu tư chế biến sâu, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng sản phẩm chế biến. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến sau sữa chưa đáp ứng được thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thứ năm, nguồn cung nguyên liệu chưa đáp ứng nhu cầu chế biến sữa trong nước. Sản xuất sữa nguyên liệu phải đối mặt với sự mất cân bằng cung và cầu khi nguồn sữa trong nước chỉ đáp ứng khoảng 35-40% tổng nhu cầu sữa dùng chế biến. Sự phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài đối với nguyên liệu đầu vào tạo ra nguy cơ chèn ép lợi nhuận do biến động giá của các sản phẩm sữa nhập khẩu. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng gia tăng nguy cơ gây thiệt hại cho doanh nghiệp chế biến.
Ảnh minh họa.
“Sự phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài đối với nguyên liệu đầu vào tạo ra nguy cơ chèn ép lợi nhuận do biến động giá của các sản phẩm sữa nhập khẩu. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng gia tăng nguy cơ gây thiệt hại cho doanh nghiệp chế biến”, Bộ Công Thương chỉ ra.
Cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển ngành sữa
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế với việc Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, AFTA, EVFTA,… sẽ tạo nhiều cơ hội mới như lộ trình cắt giảm thuế quan theo các FTA, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu sữa ra thị trường thế giới, cộng với Chương trình sữa học đường của Chính phủ đã được triển khai rộng khắp cả nước, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Song hành với những cơ hội trên là các thách thức mới cho sự phát triển của ngành sữa Việt Nam bao gồm sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại, sự thay đổi về thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng với sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ...
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành sữa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết và cấp bách, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được đặt ra của giai đoạn trước cũng như trong giai đoạn mới.
Cụ thể, phát triển bền vững ngành sữa Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến sữa trở thành ngành có công nghệ hiện đại với cơ cấu ngành đồng đều, sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Nêu giải pháp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục mở rộng, đầu tư xây mới trang trại và quy mô đàn bò sữa theo hướng hiện đại, khép kín để nâng cao tỷ lệ nguyên liệu trong nước, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, giảm dần tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu. Điều này, một mặt sẽ tạo nên sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp sữa trong nước, mặt khác tạo động lực để các doanh nghiệp nội địa cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất nhằm sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao hơn và giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh.
“Ngoài ra, tăng cường tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu đặc biệt là sang Trung Quốc, Trung Đông và các nước ASEAN, châu Âu”- báo cáo Cục Công nghiệp nêu rõ.
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng đề cương chiến lược, trong đó sẽ đặt ra các chỉ tiêu về sản phẩm, sản lượng; chỉ tiêu về thị phần sữa sản xuất trong nước; chỉ tiêu về xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; định hướng phát triển các sản phẩm sữa theo hướng xanh, tuần hoàn và tiết kiệm năng lượng... Đề cương dự kiến sẽ đưa ra các nhóm giải pháp gồm hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh và bền vững; đẩy mạnh xuất khẩu sữa Việt Nam; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tham gia trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chế biến sữa.
Khánh Mai (t/h)