Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát để tránh tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp

author 13:35 06/07/2023

(VietQ.vn) - Nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ cần phải sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành nước giải khát.

Bộ Tài chính vừa có dự thảo tờ trình báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tờ trình nêu rõ, yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, đồng thời khuyến khích việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em trong đó có ngành nước giải khát. 

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2016 và 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và cả người tiêu dùng.

Trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có bổ sung một số đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Trong đó, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do ngăn ngừa, giảm tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em; nguy cơ cao đối với nhiều bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính và tử vong sớm.

Cần cân nhắc kỹ khi áp thuế đặc biệt đối với ngành nước giải khát. Ảnh minh họa

Tại hội thảo góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được VCCI tổ chức mới đây, các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất tại hội thảo là việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều đại biểu cho rằng chưa có đủ bằng chứng và cơ sở khoa học thuyết phục để khẳng định việc áp dụng công cụ thuế này sẽ giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân mà cụ thể là phòng tránh nguy cơ thừa cân, béo phì. Trong khi đó, việc này lại có thể gây ra những tác động tiêu cực lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế và đời sống.

PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì: Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh như tiêu thụ các thực phẩm giàu calories, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động... Chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên quan duy nhất của thừa cân, béo phì với nước giải khát có đường. Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp calories nhiều nhất trong các thực phẩm.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện chưa có đủ bằng chứng và cơ sở khoa học thuyết phục để khẳng định việc áp dụng công cụ thuế này sẽ giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân mà cụ thể là phòng tránh nguy cơ thừa cân béo phì, trong khi đó lại có thể gây ra những tác động tiêu cực lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế và đời sống.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết, thực tiễn một số nước sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường lại có tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng qua các năm. Như Chile có thời điểm áp dụng vào năm 2014, giai đoạn 2009 - 2010, tỷ lệ béo phì ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Sau khi áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt, đến giai đoạn 2016 - 2017, tỷ lệ béo phì ở cả nam và nữ giới Chile đều tăng, lần lượt là 30,3% và 38,4%.

Còn quốc gia châu Âu như Bỉ áp dụng năm 2016, năm 2014, tỷ lệ béo phì ở nam giới nước này là 13,9% còn ở nữ giới là 14,2%, nhưng đến năm 2019, tỷ lệ này ở nam giới là 17,2% và nữ giới là 15,6%. Hay Mexico cũng áp dụng vào năm 2014, năm 2012, tỷ lệ béo phì ở nam giới là 26,8% còn nữ giới là 37,5%, nhưng đến 2018 – 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 30,5% ở nam giới và 40,2% ở nữ giới.

Một báo cáo của Ủy ban Châu Âu năm 2014 cũng đã chỉ ra điều tương tự khi mà lượng tiêu thụ nước ngọt tại Pháp chỉ giảm 3,3%, trong khi giá sản phẩm đã tăng 5% do thuế. Điều này chứng minh việc thiếu hiệu quả khi sử dụng công cụ thuế để kiểm soát nhóm hàng này.

“Một số nước đã phải từ bỏ công cụ này sau một thời gian áp dụng vì không có tác động đáng kể lên việc cải thiện sức khoẻ cộng đồng. Theo báo cáo của WHO, cho đến nay, Đan Mạch và Nauy đã bãi bỏ sắc thuế TTĐB áp dụng với nước giải khát có đường. Chính phủ tuyên bố bãi bỏ thuế này nhằm tạo việc làm và giúp đỡ nền kinh tế địa phương”, ông Vũ Tú Thành cho biết.

Tại Việt Nam, nhu cầu giải khát của người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp rất lớn, nếu như không tiêu thụ các loại đồ uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp có hóa đơn thuế, người tiêu dùng có thể sẽ tìm cách tiêu thụ đồ uống được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB.

"Mở rộng áp thuế với NGK là chưa công bằng, bởi có thể dẫn đến phân biệt đối xử, ảnh hưởng đáng kể đến ngành đồ uống và các ngành phụ trợ. Đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính dẫn đến TCBP - lý do Bộ Tài chính muốn áp thuế này. So sánh mức calo cung cấp giữa các loại thực phẩm, lượng calo từ nước giải khát có đường khoảng 44 kcal trên 100 g, thấp nhất trong các loại thực phẩm chứa đường (bánh kẹo là 300 - 400 kcal, kem trên 200 kcal trên 100 g)", ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, việc đánh thuế sẽ khiến người tiêu dùng có khả năng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm tương tự khác có lượng đường, calo bằng hoặc cao hơn.

Ở góc độ kinh tế, Chủ tịch VBA nhận xét: Việc đánh thuế có thể ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng một triệu hộ kinh doanh sản phẩm ngành giải khát. Điều này sẽ tác động đến hàng chục nghìn lao động trong chuỗi giá trị, cung ứng và hàng trăm nghìn hộ gia đình trồng mía.

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Thời điểm này, việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế (trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt) là chưa phù hợp vì sẽ tạo gánh nặng, thậm chí có thể làm kiệt quệ hơn sự khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bất kỳ chính sách nào cũng có tác động kinh tế-xã hội nhất định, do vậy công cụ chính sách không nên tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. TS Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị cần cân nhắc về lộ trình áp dụng mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó tránh tạo ra những rủi ro chính sách cho doanh nghiệp.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang