Cân nhắc việc coi ‘nước thải’ là tài nguyên trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

author 19:25 02/12/2022

(VietQ.vn) - Nhằm mang đến những ý kiến toàn diện và khách quan của các chuyên gia về vấn đề tài nguyên nước trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".

Cụ thể, Luật Tài nguyên nước năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 đến nay. Kể từ khi Luật được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, sau hơn 9 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nên Luật Tài nguyên nước 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đó.

Hội thảo có sự tham gia của ông Bùi Đức Hiếu, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Nguyễn Thị Phương, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu); GS. TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường; PGS.TS Hoàng Thu Hương, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường; TS. Trần Thiện Cường, khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội...

Về phía Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) có sự tham dự của ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc CECR; bà Đặng Thuỳ Trang, Phó Giám đốc CECR. Ngoài ra, còn có sự tham dự của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước rất khả thi, tiết kiệm

 PGS.TS Lưu Đức Hải trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Ngọc Xen.

Mở đầu chương trình, PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh, vấn đề tài nguyên nước liên quan đến rất nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, vì vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trình bày tham luận về Quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, lưu vực là phần diện tích bề mặt đất trong tự nhiên mà lượng nước mưa khi rơi xuống sẽ tập trung lại và thoát vào một lối thoát thông thường, chẳng hạn như vào sông, vịnh hoặc các phần nước khác. Quản lý tài nguyên nước theo lưu vực là quản lý tất cả hoạt động trong phạm vi lưu vực có ảnh hưởng tới chất lượng, số lượng tài nguyên nước (sông, suối, ao, hồ) trong lưu vực.

Theo ông Hải, Luật Tài nguyên nước 2012 đã đưa ra nguyên tắc quản lý tài nguyên nước trên các dòng sông, nhưng còn có nhiều bất cập trong quản lý nguồn nước theo lưu vực. Vì vậy, cần có cách tiếp cận và giải pháp đưa quản lý nguồn nước theo lưu vực phù hợp trong giai đoạn biến đổi khí hậu và tăng nhu cầu sử dụng nước.

Một trong những giải pháp mà ông Hải đưa ra chính là mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực. Cụ thể, ông Hải dẫn chứng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ theo lưu vực Vườn quốc gia Ba Vì, ứng dụng tại thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nghĩa là đề cao tính cộng động trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực bởi các lý do sau: Cộng đồng là tất cả tập thể, cá nhân cùng sinh sống và hoạt động trong một phạm vi không gian và trong khoảng thời gian; Không ai hiểu hơn cộng đồng về đặc điểm môi trường nơi mình sinh sống; Không ai có lợi ích và chịu thiệt hại hơn cộng đồng khi chất lượng môi trường sống của mình vi phạm; Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước là phương pháp khả thi, hiệu quả và rẻ tiền.

Tại thôn Dy, nước thải được xử lý bằng hệ thống biogas, tận dụng nước thải làm phân bón cho nông nghiệp. Mô hình này cũng giúp ngăn ngừa việc người dân đổ chất thải rắn (như rác thải sinh hoạt, xác chết động vật...) ra môi trường; ngăn ngừa việc sử dụng nguồn nước cho lợi ích riêng; mọi hoạt động đều được thực hiện theo hương ước/ quy ước quản lý và bảo vệ nguồn nước của thôn.

Nhiều quan điểm mới được đưa vào dự thảo Luật 

Tại chương trình, ThS Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình (Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định quan điểm xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh: Tài nguyên nước là tài nguyên quan trọng, thiết yếu, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý; Tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả nhưng phải đổi mới và phát triển. Đồng thời, quản lý hiệu quả đúng giá trị nguồn tài nguyên trên cơ sở phân cấp, phân quyền, bằng những công cụ tài chính tiên tiến để tài nguyên nước là nguồn động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Phương đã trình bày một số điểm mới của Luật Tài nguyên nước, bao gồm: Phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực;

Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; Đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước; Quy định rõ nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hoá, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước;

Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; Bổ sung quy định về đối tượng và nội dung về thu trữ nước mưa; Bổ sung, cập nhật quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, ổn định lòng, bờ, bãi sông; Phân vùng chức năng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất; trách nhiệm giám sát và kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân;

Xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước; Quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hoà, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước;

Các nội dung khác: Hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; bảo vệ nước dưới đất; các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ...

Hội thảo “Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".  

Cân nhắc coi nước thải là tài nguyên

Hội thảo cũng nhận được nhiều tham luận đóng góp của các chuyên gia như: Tham luận Khái quát về Luật Tài nguyên nước ở Việt Nam của PGS.TS Đào Trọng Tứ - Chuyên gia thể chế tài nguyên nước - Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam; tham luận An ninh nước của TS. Bùi Đức Hiếu - Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; tham luận “Sức tải môi trường và phương pháp tính sức tải môi trường nước” của TS. Trần Thiện Cường - khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; tham luận Tuần hoàn tái sử dụng nước thải sau xử lý trong công nghiệp - Tiềm năng và thách thức do PGS.TS Hoàng Thu Hương, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường trình bày; tham luận của GS. TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường...

Một điểm đáng chú ý trong phần trao đổi giữa các chuyên gia và nhà quản lý liên quan đến việc công nhận “nước thải” (hay còn gọi là nước đã qua sử dụng) là nguồn tài nguyên. PGS.TS Hoàng Thu Hương nhấn mạnh: “Tái sử dụng nước thải mang lại lợi ích không những cho các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp mà còn có tác động rất tốt đến môi trường.

Tuy nhiên, các giải pháp tuần hoàn tái sử dụng nước, đặc biệt là trong công nghiệp cần phải được thực hiện đúng cách và có kiểm soát. Cần triển khai và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tăng cường tái sử dụng nước thải sau xử lý. Các thủ tục kỹ thuật, chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của việc tái sử dụng nước thải sau xử lý.

Do đó, cần có chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước. Trong bối cảnh an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã bắt đầu bị đe dọa và Luật Tài nguyên nước cần được sửa đổi cho phù hợp, việc cân nhắc xem xét coi nước đã qua sử dụng là một nguồn tài nguyên là yêu cầu cần thiết trong việc khuyến khích việc tái sử dụng nước trong công nghiệp”.

Hiện nay, trong Luật Tài nguyên nước 2012 cũng giải thích “Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác”, tuy nhiên, không coi nước thải là tài nguyên.

Nói về tiến độ xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), bà Phương cho biết, dự thảo đã được gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, các tổ chức, cá nhân và đăng tải dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp góp ý cho dự thảo Luật. Dự thảo Luật sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 12/2022 và trình Chính phủ trong tháng 01/2023.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Chung tay Hành động bảo vệ nguồn nước (CAWACON) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Các ý kiến của hội thảo sẽ được tập hợp gửi đến ban soạn thảo Luật Tài nguyên nước.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang