Cận Tết, rượu ngoại xa xỉ đắt khách

author 07:26 30/01/2016

“Tôi tưởng kinh tế khó khăn, sức mua rượu ngoại đắt tiền phải giảm đi, nhưng không, năm nay các loại rượu ngoại xa xỉ vẫn bán rất chạy..."

Đây là tâm sự rất thật của chị Hạnh, nhân viên kinh doanh rượu lâu năm của một doanh nghiệp tư nhân chuyên nhập khẩu (NK) và phân phối nhiều loại rượu ngoại trên địa bàn Hà Nội.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết, thói quen tri ân, gặp gỡ để thăm hỏi tặng quà người thân, đối tác là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt, nên thời điểm cận Tết cũng là mùa “hái” ra tiền của nhiều cửa hàng kinh doanh những sản phẩm cao cấp, trong đó rượu ngoại không phải trường hợp ngoại lệ.

Tấp nập đón khách

Nhiều địa điểm kinh doanh rượu ngoại lâu đời trên các con phố lớn, các trung tâm thương mại như phố Hàng Buồm, Hàng Da, Đồng Xuân, Giảng Võ, Đê La Thành… đang tấp nập đón khách. Chị Hạnh, nhân viên kinh doanh của một DN tư nhân chuyên NK và phân phối rượu ngoại, có trụ sở nằm trên địa bàn quận Đống Đa, cho biết mấy ngày nay, công việc đứng quầy của chị khá tất bật vì khách quá đông, nhiều hôm 3 - 4 giờ chiều mới được ăn cơm trưa.

Các đơn hàng cận Tết đông kìn kìn. Bình quân mỗi ngày cửa hàng chị nhận khoảng 7 - 10 đơn hàng, giá trị tùy thuộc vào khách. Có đơn hàng vài triệu. Có đơn hàng 30 - 40 triệu. Đặc biệt, có những DN lớn đặt tới 400 - 500 xuất rượu vang ngoại, giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo chị Hạnh, khách hàng được chia làm hai thành phần chính, gồm khách mua lẻ và khách mua cho công ty. Khách mua lẻ thường mua các loại rượu ngoại mạnh. Các loại rượu bán đắt hàng là rượu của các thương hiệu nổi tiếng.

Giá các loại rượu rất đa dạng, tùy theo năm của rượu, độ rượu và thương hiệu mà giá cao thấp khác nhau, dao động từ 1,2 - 2,5 triệu, loại cao cấp hơn giá 5 triệu, 7 triệu. Khách mua hàng cho công ty thường mua rượu vang chai, hoặc vang bịch (có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/chai hoặc một bịch), để chia vào các túi quà cá nhân cho từng người.

Chị Hà - chủ một DNTN, cho biết: “Tết năm nào công ty tôi cũng có truyền thống tặng mỗi cán bộ nhân viên một túi quà Tết, trong có chai rượu vang ngoại trị giá 200.000 đồng. Tôi chọn rượu ngoại vì giá cả vừa phải chăng mà mẫu mã lại bắt mắt, lịch sự”. Tuy nhiên, chị Hà cũng cho biết: “Thị trường giờ nhiều rượu giả, tôi sợ lắm nên không mua lung tung, mà mua của một người quen, chuyên kinh doanh rượu ngoại lâu năm rồi nên cũng yên tâm”.

Tâm lý yên tâm khi mua của người quen đã trở thành thói quen của rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian qua, nhất là mỗi khi mua sắm Tết. Bởi đây là dịp nhiều sản phẩm nhái, sản phẩm giả (trong đó đặc biệt là rượu ngoại) được dịp tung hoành. Cứ mỗi dịp cận Tết, lực lượng chức năng ra quân quyết liệt lại truy quét ra nhiều ổ nhóm làm rượu giả, đặc biệt là các loại rượu ngoại đắt tiền. Đủ các loại mánh khóe tinh vi được phát lộ.

Để mua được rượu chuẩn, NTD nên tìm đến các cơ sở kinh doanh rượu ngoại có uy tín

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Anh Nam - nhân viên kinh doanh rượu, nắm được khá nhiều thủ thuật của những kẻ làm rượu giả. Theo anh Nam, rất nhiều chiêu trò được giới làm rượu giả áp dụng, như thu mua các vỏ chai của các hãng rượu nổi tiếng trong nước lẫn ngoài nước, đem về tẩy rửa thật sạch đóng chai, đóng nhãn mác mới. Những kẻ làm giả lùng sục khắp nơi để mua vỏ rượu ngoại. Có những vỏ rượu của những thương hiệu nổi tiếng được thu mua với giá 5 - 10 triệu đồng/vỏ.

Rượu giả thường được pha chế từ rượu trắng, với một tỷ lệ nhỏ rượu “xịn”, cộng với chất tạo màu xanh, đỏ, sẫm tùy theo từng loại rượu, sao cho màu sắc giống với màu thật hoặc rượu được làm hoàn toàn từ cồn công nghiệp và phẩm màu.

Sự độc hại cho người dùng còn phụ thuộc vào tay nghề, phương thức, độ tinh vi của những kẻ làm rượu giả. Nguy hiểm nhất, là dùng cồn công nghiệp để chế rượu giả, nếu dùng phẩm màu pha chế hàm lượng cao thì ảnh hưởng tới gan, thận, hệ thần kinh của người dùng. Nhiều trường hợp nặng, là người dùng có thể bị ngộ độc rượu giả, thậm chí tử vong.

Anh Nam tư vấn có rất nhiều cách để phân biệt rượu thật với rượu giả, như quan sát kỹ nút chai. Các nút thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn các nút giả, thường trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật. Một cách khác là kiểm tra đáy chai rượu.

Một số loại rượu ngoại được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó, khi mua cần quan sát thật kỹ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua. Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy, như chính giữa vòng tròn của những chữ “A,O,B...”, hoặc những chỗ có vết tỳ sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kỹ bằng keo trong, nên rất khó phát hiện. Có thể dùng bật lửa hơ nhỏ ở những chỗ nghi ngờ, từ đó có thể phát hiện ra các lỗ được đục từ trước.

Rượu ngoại được làm từ cồn công nghiệp thường không có mùi thơm, uống vào có vị chua hơi đắng gắt miệng. Về màu sắc của rượu thì nhờ nhờ không đặc trưng như rượu thật. Thậm chí một số loại rượu giả chỉ cần ngửi mùi là biết được vì mùi rất khai của hóa chất cũng như cồn công nghiệp.

Theo các chuyên gia hiểu biết về rượu ngoại, để mua được rượu chuẩn, người tiêu dùng nên tìm đến các cơ sở kinh doanh rượu ngoại có uy tín, hoặc nếu có người thân ở nước ngoài có thể nhờ mua, vì tỷ lệ mua phải những chai rượu ngoại chỉ chiếm 1%. Bởi ở nước ngoài, rượu giả hầu như không có, thị trường rượu được quản lý rất chặt.

Theo Dân Việt


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang