Cần Thơ: Tăng cường ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP
Ứng dụng công nghệ quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Thanh Hóa tăng cường áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp
Đà Nẵng truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh đến từng mâm cơm
Thừa Thiên Huế: Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao giá trị thương hiệu
Người dân được đảm bảo về chất lượng sản phẩm khi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: baocantho.com.vn
Cần Thơ đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc trong phát triển sản phẩm OCOP
Từ khi khởi đầu với 4 sản phẩm OCOP tại quận Thốt Nốt được chứng nhận 3-4 sao vào tháng 7 năm 2020, đến nay, toàn thành phố Cần Thơ đã có 148 sản phẩm OCOP từ 72 chủ thể. Trong đó, có 73 sản phẩm đạt 3 sao và 75 sản phẩm đạt 4 sao, chủ yếu là nông sản chế biến và thủy sản địa phương. Mặc dù số lượng sản phẩm chưa nhiều so với một số địa phương khác, nhưng sự đa dạng và chất lượng sản phẩm OCOP của Cần Thơ được đánh giá cao.
Một trong những yếu tố cốt lõi giúp nâng cao giá trị và tạo dựng niềm tin cho sản phẩm OCOP tại Cần Thơ chính là việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc. Đây không chỉ là công cụ đảm bảo tính minh bạch, mà còn giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin về quá trình sản xuất, nguyên liệu và chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ Ngô Anh Tín, cho biết: "Sở đã triển khai Dự án ‘Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa’. Dự án này xây dựng cơ sở dữ liệu giúp thu nhận, quản lý và chia sẻ thông tin truy xuất nguồn gốc hoàn toàn tự động, phù hợp với đặc điểm của các sản phẩm OCOP".
Cổng thông tin https://check.cantho.gov.vn/ và ứng dụng di động CheckVN đã được phát triển để người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc sản phẩm qua mã QR. Hệ thống này tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế GS1 và có khả năng kết nối liên thông với các hệ thống quản lý khác. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP của thành phố như giá sạch Hồng Nhung, trà mãng cầu Kim Nhiên, và yến sào Tịnh Hoằng đã được đăng ký truy xuất nguồn gốc, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng và gia tăng giá trị thương hiệu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn, ngành Nông nghiệp đã cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử (QR-Code) cho 222 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản với 480 sản phẩm, trong đó có 61 sản phẩm OCOP. Đây là một phần trong chiến lược chuyển đổi số của thành phố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã nắm bắt cơ hội từ thị trường số, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh việc truy xuất nguồn gốc, các chủ thể OCOP tại Cần Thơ cũng tập trung cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện bao bì và nhãn mác để nâng cấp sản phẩm. Mới đây, Hội đồng OCOP thành phố Cần Thơ đã tổ chức đánh giá và xếp hạng cho 6 sản phẩm của Cơ sở Thuận Hòa và 2 sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Hygie & Panacee. Kết quả, tất cả các sản phẩm này đều được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, với điểm số đạt từ 80,5 đến 94 điểm. Đặc biệt, trà hòa tan đinh lăng và trà hòa tan tía tô của Công ty Hygie & Panacee đã được đề xuất gửi về Hội đồng OCOP Trung ương để xét duyệt hạng 5 sao – cấp quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng đối với Cần Thơ trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP trên phạm vi toàn quốc.
Định hướng phát triển bền vững cho sản phẩm OCOP
Về định hướng phát triển chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị các chủ thể OCOP cố gắng "chăm chút từng li từng tí cho sản phẩm", đầu tư, trau chuốt, nâng tầm cho sản phẩm để nâng cao giá trị. Chú ý làm tốt từ hình thức đến chất lượng và có câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm để tạo "linh hồn" cho sản phẩm.
Luôn quan tâm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm để gìn giữ, phát huy giá trị, giúp sản phẩm tồn tại, phát triển và có đầu ra tốt. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho lao động và giải quyết đầu ra cho các nguyên liệu nông sản dư thừa tại địa phương. Các sở ngành thành phố và địa phương quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP, tạo điều kiện các chủ thể OCOP đẩy mạnh trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Tích cực kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP kịp thời được tái cấp chứng nhận khi hết hạn, cũng như thực hiện nâng hạng sao cho sản phẩm.
Việc tập trung vào truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh quảng bá qua các kênh thương mại điện tử sẽ giúp thành phố không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.
Duy Trinh (t/h)