Những tác hại cho sức khỏe khi dùng điều hòa ô tô chỉ lấy gió trong

author 12:34 24/10/2022

(VietQ.vn) - Điều hòa ô tô là bộ phận quan trọng nhưng nhiều tài xế thường mắc sai lầm khi chỉ lấy gió trong nên dẫn tới những tác hại cho sức khỏe.

Hệ thống điều hòa ô tô có 2 chế độ lấy gió: lấy gió trong và lấy gió ngoài. Cả 2 chế độ này đều có nguyên lý hoạt động tương tự nhau là thu luồng không khí bên ngoài để đưa vào dàn nóng của hệ thống điều hòa xe. Tuy nhiên, điểm khác nhau là nguồn không khí. Một chế độ lấy luồng không khí từ bên ngoài xe và một chế độ lấy luồng không khí từ ngay trong xe. Hầu hết tài xế thường lựa chọn lấy gió trong, tuy nhiên nếu dùng trong thời gian dài tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe.

Tăng nồng độ CO2

Chế độ lấy gió trong giúp tránh được hiện tượng mùi hôi bên ngoài lọt vào cabin, ngoài ra cũng giúp tiết kiệm năng lượng cho hệ thống điều hòa nếu nhiệt độ bên ngoài cao hơn. Bên cạnh những ưu điểm vừa nêu, lấy gió trong cũng có những nhược điểm không mong muốn. Đáng chú ý nhất là khiến nồng độ CO2 trong khoang lái tăng.

Lấy gió trong chỉ sử dụng nguồn không khí khép kín trong xe, không có sự trao đổi với môi trường bên ngoài. Thực tế, vẫn có một lượng không khí mới bên ngoài len lỏi vào khoang lái thông qua các khe hở, tuy nhiên không đáng kể.

Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Hoàng (kỹ sư ô tô) cho biết, nếu lấy gió trong liên tục thì hầu như không khí trong cabin được tái sử dụng, kéo dài thì có thể làm giảm nồng độ O2. Không có tài liệu hướng dẫn cụ thể thời gian bao lâu thì nên đổi chế độ lấy gió. Người lái nên chủ động chuyển đổi qua lại, đôi khi có thể hạ kính để 'làm mới' không khí trong xe.

 Điều hòa ô tô lấy chỉ gió trong sẽ mang lại nhiều tác hại. Ảnh: Danchoioto

Gây mệt mỏi

Sau một thời quãng đường dài, người lái và hành khách thường có cảm giác mệt mỏi, nguyên nhân một phần đến từ nồng độ CO2 trong khoang lái tăng cao. Con người khi thở sẽ hấp thụ O2 trong và thải ra môi trường khí CO2. Do chọn chế độ lấy gió trong nên lượng CO2 trong khoang lái sẽ tăng dần, trong khi lượng O2 ngược lại.

Anh Nguyễn Vinh Quang (giáo viên dạy lái ôtô) cho biết, anh thường luân chuyển 2 chế độ lấy gió điều hòa, gió trong khi chạy ở nơi đông đúc và gió ngoài ở những nơi có không khí trong lành. Về cơ bản thì lấy gió trong không thể gây ngợp kiểu khó thở được, khoang lái vẫn có không khí vào vì không kín hoàn toàn.

Gây ngạt thở

Tiến sĩ Gisli Jenkins (Đại học Nottingham) cho biết, mỗi lần cơ thể thở ra sẽ thải khoảng 5% CO2 và 13% O2. Nếu lượng CO2 trong không khí đạt tỉ lệ 15%, con người sẽ chết ngạt.

Không có con số cụ thể về thời gian sau bao lâu lượng CO2 trong khoang lái đủ nhiều để gây mệt mỏi. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như nhiều người ngồi trên xe sẽ đẩy nhanh quá trình tạo ra khí CO2.

Tiến sĩ Jenkins đưa ra phép tính đối với một không gian kín có thể tích 4 mét 3, con người có thể sống được tối đa 16 giờ trước khi lượng CO2 đạt mức 15%. Thực tế, con số này sẽ giảm nếu không gian có nhiều người hơn hay con người bị mất bình tĩnh khiến nhịp thở tăng lên. Cabin xe không kín hoàn toàn nên việc chết ngạt vì khí CO2 rất khó xảy ra.

Để giải quyết vấn đề lượng CO2 trong khoang lái tăng cao, nhiều dòng xe cao cấp có chức năng tự động chuyển chế độ lấy gió. Đối với xe phổ thông, người dùng có thể chuyển thủ công thông qua nút nhấn trên bảng táp-lô hoặc đơn giản hạ cửa sổ xuống một khoảng thời gian để không khí được làm mới.

Chuyển sang chế độ lấy gió ngoài giúp khoang lái nhận được lượng không khí mới bên ngoài, tạo cảm giác thoải mái và giúp người lái tập trung điều khiển xe hơn trong những chuyến đi dài.

Khi vừa khởi động xe, người lái cũng cần chuyển sang chế độ lấy gió ngoài. Hành động này kết hợp cùng việc hạ cửa kính giúp lượng không khí trong xe nhanh chóng được trao đổi với bên ngoài, tránh tình trạng bị sốc nhiệt sau một thời gian dài đỗ xe dưới trời nắng và thải đi khí độc sinh ra trong quá trình xe không được sử dụng, đặc biệt khi đỗ dưới trời nắng.

Bên cạnh những ưu điểm, lấy gió ngoài cũng khiến mùi hôi bên ngoài dễ dàng lọt vào bên trong gây khó chịu. Tấm lọc không khí trang bị trong xe thường chỉ có tác dụng lọc bụi, loại có than hoạt tính hỗ trợ khử mùi nhưng không đáng kể. Vì thế người dùng nên cân nhắc chỉ chuyển sang lấy gió ngoài khi xe di chuyển qua những vùng có không khí sạch sẽ.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10210:2013- ISO 13043:2011

Phương tiện giao thông đường bộ- Hệ thống lạnh dùng trong hệ thống điều hòa không khí di động- Yêu cầu an toàn 

Theo đó Tiêu chuẩn này được áp dụng giới hạn cho các hệ thống lạnh để làm mát hoặc sưởi ấm khoang chở người, khoang để ắc quy, v.v… trên các ô tô chở khách. Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu tối thiểu về thiết kế để làm kín môi chất lạnh và các yêu cầu an toàn của các hệ thống này.

Tiêu chuẩn này chỉ đề cập đến việc sử dụng các môi chất lạnh R-134a, R-1234yf và R-744 trong các bộ phận cấu thành và hệ thống lạnh của xe do nhà sản xuất xe trang bị ban đầu (OEM) và thị trường (không phải OEM) cung cấp.

Các rủi ro có liên quan gắn liền với các hệ thống lạnh này là:

- sự bắn ra các mảnh hoặc chất lỏng do các hệ thống chịu áp lực cao;

- sự hít vào các chất độc hại bao gồm cả các sản phẩm có tiềm năng phân hủy;

- sự lan truyền ngọn lửa.

Do đó tiêu chuẩn này quan tâm đến các yêu cầu về thiết kế bộ phận và hệ thống có liên quan tới bất kỳ mối nguy hiểm nào trong các mối nguy hiểm này mà hệ thống lạnh đòi hỏi phải có.

Bất cứ kịch bản nào bao gồm các bộ phận hoặc thành phần khác với hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) (bộ sấy nóng, quạt, hòa trộn và phân phối không khí) hoặc bất cứ bộ phận nào khác của xe không có liên quan tới hệ thống lạnh sẽ không được đề cập trong tiêu chuẩn này.

Mục đích của tiêu chuẩn này là đảm bảo cho người sử dụng cuối cùng và kỹ thuật viên bảo dưỡng không bị phơi ra trước nguy hiểm trong quá trình sử dụng bình thường, bảo đảm và sửa chữa và loại bỏ xe khi hết tuổi thọ. Vì thế việc sản xuất, bảo quản và vận chuyển môi chất lạnh cũng như phân phối môi chất lạnh và nạp vào máy trong các nhà máy lắp ráp sẽ không thuộc phạm vi của tiêu chuẩn này.

Đối với các quá trình này sẽ phải quan tâm đến an toàn của các nhân viên đã được cấp chứng chỉ bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn sử dụng chung trong công nghiệp và các quy định có liên quan.

Toàn bộ tuổi thọ của xe đã được xem xét để đưa ra tuổi thọ của các hệ thống lạnh.

Đối với hệ thống R-134a, tiêu chuẩn này áp dụng cho bất cứ kiểu mẫu mới nào được đưa ra một năm sau khi tài liệu này được công bố.

Đối với các hệ thống R-1234yf và R-744, tiêu chuẩn này áp dụng từ ứng dụng đầu tiên của các môi chất lạnh này cho bất cứ xe nào.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang