Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số

author 12:23 17/05/2025

(VietQ.vn) - Sáng 17/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tại buổi thảo luận, đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá hiện hành.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 6a), một số ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật đã quy định khá rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành liên quan, cũng như chính quyền địa phương, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp. Ảnh Báo Đại biểu Nhân dân.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng: “Dự thảo Luật quy định vẫn chưa đầy đủ, còn thiếu quy định về cơ chế bắt buộc chia sẻ dữ liệu quản lý giữa các bộ, ngành, địa phương; thiếu quy định xử lý trách nhiệm đối với cơ quan không kịp thời cảnh báo rủi ro về hàng hóa kém chất lượng, hàng giả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cảnh báo chậm trễ, phản ứng quản lý kém hiệu quả trong thực tế thời gian qua”.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị, cần bổ sung quy định bắt buộc về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trên nền tảng số dùng chung, cùng với chế tài rõ ràng trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ này, nhằm tăng tính kết nối, giảm tình trạng “quản lý chồng chéo, thiếu liên thông”.

Quy định về trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử (Điều 44b) trong dự thảo Luật được các ĐBQH đánh giá cao; cho rằng, đây là một bước tiến lớn khi lần đầu tiên luật hóa trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ, trở thành kênh phổ biến cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái như hiện nay.

minh-hieu.jpgĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh Báo Đại biểu Nhân dân.

Trong thời gian gần đây, số lượng các vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, số lượng vụ vi phạm trong năm 2024 đã tăng 266% so với năm 2023. ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, việc thiết lập cơ chế để tăng cường kiểm soát hàng hóa được giao dịch trên sàn thương mại điện tử là hết sức cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Hữu Thông còn băn khoăn một số vấn đề, như: việc quy định các sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… liệu có vượt quá khả năng kỹ thuật và thẩm quyền pháp lý của các sàn thương mại điện tử này hay không? Vì các doanh nghiệp này không có chức năng điều tra, kiểm định hay thẩm quyền can thiệp vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Nếu bị ràng buộc bởi quy định này, doanh nghiệp có thể sẽ bị đẩy vào vị thế khó thực hiện và đối mặt với rủi ro pháp lý tiềm ẩn.

Mặt khác, các nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… đã được quy định rõ trong một số Luật và nghị định như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; dự thảo Luật Thương mại điện tử; Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP… Do đó, việc tiếp tục điều chỉnh trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có thể sẽ gây trùng lặp và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung quy định này để tránh mâu thuẫn chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, sàn thương mại điện tử không đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành. Thực tế, các nền tảng thương mại điện tử chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật để lưu trữ và cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và các bên có liên quan.

Khi yêu cầu sàn thương mại điện tử xác minh nguồn gốc và giám sát chủ động nguồn gốc của hàng hóa có thể dẫn đến việc sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ để quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chỉ rõ, thực trạng sàn thương mại điện tử đang tồn tại nhiều vướng mắc về quản lý, xác định trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên các nền tảng số.

Trong khi đó, người tiêu dùng lại rất khó xác định được đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số để cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin, đồng thời, hỗ trợ cơ quan chức năng cảnh báo, hậu kiểm, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật lần này chuyển mạnh sang hậu kiểm, áp dụng với khoảng 90-95% hàng hóa, sản phẩm. Doanh nghiệp được tự công bố hợp quy, tiêu chuẩn áp dụng tùy theo mức rủi ro; sản phẩm rủi ro thấp sẽ chịu hậu kiểm với tần suất thấp nếu doanh nghiệp có uy tín, ít vi phạm.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hậu kiểm không đồng nghĩa buông lỏng quản lý mà đi kèm trách nhiệm lớn hơn của doanh nghiệp. Khi phát hiện gian dối, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nặng hơn, có thể thu hồi giấy phép, công khai sai phạm trên nền tảng số, thậm chí bị tước quyền tự công bố. Chế tài xử phạt sẽ không chỉ dừng ở mức hành chính mà có thể xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự luật cũng bổ sung quyền khởi kiện tập thể đối với sản phẩm kém chất lượng lưu hành rộng rãi, tăng sức ép pháp lý lên hành vi vi phạm, với thời hiệu khởi kiện và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất, nhập khẩu, người bán. Cơ quan giải quyết tranh chấp phải có trách nhiệm chuyển thông tin vi phạm cho cơ quan quản lý để kịp thời kiểm tra, cảnh báo rủi ro.

"Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là chiến lược quản lý mới, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, giải trình thấu đáo đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang