Cần xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả

author 06:22 12/06/2022

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng TP.HCM vừa phát hiện, thu giữ khoảng 01 triệu viên thuốc tân dược hỗ trợ, điều trị Covid-19 giả cùng nhiều thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất, đóng gói thuốc tân dược giả.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt quả tang đối tượng Phạm Bích Ngọc và Đoàn Minh Trường đang điều khiển xe ô tô chở 12 thùng cát tông chứa 20.000 vỉ (200.000 viên) thuốc tân dược giả nhãn hiệu Neo - Codion đang di chuyển theo hướng từ Long An về TP.HCM

Mở rộng điều tra, khám xét tại các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa (Long An) và nhiều địa điểm cất giữ thuốc thành phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ khoảng 01 triệu viên thuốc tân dược giả thành phẩm cùng nhiều máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc tân dược giả.

Qua đấu tranh, lực lượng công an xác định, đường dây sản xuất thuốc tân dược giả do đối tượng Phạm Ngọc Bích cầm đầu có tổ chức chặt chẽ; các đối tượng vi phạm có quan hệ anh em, họ hàng, thân quen cấu kết thực hiện khép kín. Các đối tượng sử dụng nhà máy, xưởng sản xuất thuốc được cấp phép sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược các loại nhằm tránh bị phát hiện của cơ quan chức năng để sản xuất thuốc giả với quy mô lớn.

Cơ quan Công an TP.HCM đã tiến hành tạm giữ đối tượng Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Amtex Pharma, địa chỉ 279 A1, ấp 1B, xã Phong Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và Phạm Bích Ngọc, em của Phạm Ngọc Bích cùng 05 đối tượng liên quan để tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng đã tiến hành thu giữ toàn bộ số thuốc giả. Ảnh tư liệu

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý cho biết, cả nước đang căng mình để chống chọi với đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách sản xuất, buôn bán hàng giả là điều không thể chấp nhận được.

Đặc biệt, thuốc giả không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất và của các hãng dược phẩm chân chính.

Về chế tài xử phạt, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi sản suất thuốc trị Covid-19 giả; kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với tính chất, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020 do Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt quy định đối với hành vi nêu trên là từ 2 triệu đồng cho đến 140 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10 triệu đồng cho đến 200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc).

Với tổ chức vi phạm quy định tương tự thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015.

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức…, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; làm chết người; gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;… thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng, sản xuất, buôn bán thuốc trị Covid-19 giả không chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn trái với đạo đức con người.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để và có chế tài thật sự nghiêm khắc để trừng phạt thích đáng tạo tính răn đe cho xã hội, không để sự việc tương tự tiếp tục diễn ra.

 An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang