Cảnh báo: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm lộng hành, quy mô lớn

author 22:09 17/11/2021

(VietQ.vn) - Theo lực lượng chức năng, thời gian gần đây tình trạng kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm gia tăng.

Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm tràn lan

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về chống buôn lậu, hàng giả, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành phố đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.

Đơn cử, qua thời gian dài theo dõi và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Gia Lai) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành kiểm tra đột xuất đại lý chuyên bán thuốc BVTV tại xã An Phú, TP Pleiku (Gia Lai), phát hiện đang bày bán 7 chai thuốc trừ sâu loại 500ml, thành phần ghi trên nhãn có chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl; 20 chai thuốc trừ cỏ loại 900ml thành phần ghi trên nhãn có chứa hoạt chất Glyphosate.

Kiểm tra kho chứa của cửa hàng, đoàn kiểm tra phát hiện thêm 12 sản phẩm có các hoạt chất cấm tương tự. Sau khi kiểm đếm, đoàn kiểm tra đã xác định được tổng số lượng 3.643,85 lít và 94kg thuốc BVTV có chứa 2 hoạt chất cấm là Chlorpyrifos Ethyl và Glyphosate. Đáng nói, trụ sở của đại lý này nằm ngay khu vực xã An Phú - khu vực trồng rau xanh lớn của tỉnh Gia Lai. Xã An Phú cũng là nơi cung cấp số lượng rau lớn cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai và đầu mối để cung cấp rau, củ cho một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

 Nguy hại từ thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm nguy hiểm. Ảnh minh họa

Ông Đinh Văn Hà - Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh Gia Lai - cho biết, đây là vụ phát hiện lượng thuốc bảo vệ thực vật có chất cấm lớn nhất tại tỉnh Gia Lai từ trước đến nay. Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp và dấu hiệu tội phạm hình sự, sau khi kiểm đếm số lượng, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ ban đầu, niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm và đề xuất chuyển cho cơ quan Công an tỉnh Gia Lai để điều tra xử lý theo quy định.

Không chỉ các đại lý lén lút bán chất cấm, trên các trang mạng xã hội đang có hàng trăm hội nhóm kinh doanh phân bón và thuốc BVTV khác nhau. Các hội nhóm này có đến hàng chục nghìn thành viên hoạt động sôi nổi với rất nhiều chất cấm được chào bán với số lượng lớn. Phần lớn những điểm bán chất cấm trên các nhóm đều chỉ bán sỉ cho đại lý, rất ít bán lẻ; đa dạng vùng miền, quảng cáo giao hàng toàn quốc cho tất cả khách có nhu cầu. Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng trở thành nơi quảng bá và kinh doanh chất cấm.

Để kịp thời cảnh báo nông dân trên địa bàn, ngành nông nghiệp các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng cũng vừa phát đi văn bản cảnh báo nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate trong hoạt động canh tác cà phê và sản xuất trồng trọt theo khuyến cáo của Tổ chức Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP).

Tiếp đến, vào đầu tháng 11/2021, Công an TP Bà Rịa cho biết, Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Ma túy Công an TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phối hợp với Công an phường Long Toàn tiến hành kiểm tra căn nhà tại 641/11 Cách mạng Tháng 8, khu phố 4, phường Long Toàn, TP Bà Rịa.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện có hai kho chứa số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật do ông Nguyễn Ngọc H. (SN 1986, HKTT tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và hiện đang ở tại phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) làm chủ.

Trong số hàng này có nhiều loại (với khoảng 1.130 vật phẩm) nằm trong danh mục hàng cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng theo quy định của Chính phủ khi chứa các thành phần chất cấm Chlorpyrifos Ethyl và Glyphosate. Đây là hai hoạt chất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Bước đầu ông H. thừa nhận lưu trữ số hàng trên nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán mặc dù biết đó là hàng cấm. Ngoài ra, địa điểm nhà kho của ông H. cũng không đảm bảo các điều kiện về quản lý, lưu giữ, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Tổ công tác đã tiến hành niêm phong, tạm giữ số hàng trên để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Những chất cấm trong thuốc bảo vệ thực vật nguy hại gì?

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật có đến hàng nghìn đơn vị sản xuất, kinh doanh với hàng chục nghìn tên sản phẩm khác nhau. Điều này khiến tình trạng buôn bán tràn lan, hàng giả lộng hành, trục lợi gây ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 13/2/2021; đối với hoạt chất Glyphosate, không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 1/7/2021.

Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, Bộ Nông nghiệp – PTNT đã loại bỏ 16 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ra khỏi Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật có Carbendazim, Diazinon đều là những tính chất độc hại, nguy hiểm đến môi trường và sức khỏe con người.

Trong số đó carbendazim là hợp chất siêu nguy hại.  Trước khi bị cấm sử dụng, Carbendazim chiếm 60% thị trường thuốc bảo vệ thực vật. Tác hại của tồn dư Carbendazim ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các nghiên cứu của nhiều tổ chức trên thế giới trên vật nuôi thí nghiệm cho thấy: Carbendazim và các chất dẫn xuất của nó gây vô sinh, gia tăng các dị tật tới quá trình sinh sản, rối loại chức năng của não, thận và sự hình thành khung xương.

Carbendazim được nông dân sử dụng để trừ các loại nấm và phòng bệnh thán thư trong chăm sóc hồ tiêu. Ngoài ra, Carbendazim cũng bị người dân lạm dụng như một hoạt chất bảo quản hồ tiêu sau thu hoạch để chống mốc. Do đó, tình trạng tồn dư Carbendazim từ đồng ruộng đến sân, kho càng tăng cao. Việc cấm sử dụng Carbendazim có hiệu lực từ ngày 3/1/2019 là hết sức cần thiết.

Diazinon làm suy giảm đa dạng sinh học. Diazinon được sử dụng để diệt côn trùng nhóm đục thân trên một số loại cây trồng khác như: Lúa, ngô, cam quýt, nho, chuối, khóm, rau cải, khoai tây, mía cà phê, ca cao…

Các sản phẩm thương mại của Diazinon trên thế giới và Việt Nam như: Ba sudi, Diazan, Vibasa, Knox-out, Dazzel, Gardentox, Kayazol, Nucidol… Diazinon khá độc đối với các sinh vật dưới nước, trên cạn và con người. Khi nhiễm độc Diazinon, hệ thần kinh của sinh vật sẽ bị tổn hại, dẫn đến nhiều ảnh hưởng khác nhau.

Sử dụng Diazinon trong canh tác nông nghiệp có thể làm nhiễm bẩn môi trường và suy giảm sự đa dạng sinh học. Hệ thống cấp nước cho canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thường gắn với sông, suối, khe.

Do đó, việc sử dụng Dizinon không những làm ảnh hưởng đến thủy sinh vật ngoài tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến các loại thủy sản trong các ao hồ. Việc cấm sử dụng hoạt chất Diazinon là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.

Với những yếu tố độc hại như vậy, ngày 28/8/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra quyết định loại bỏ Dizinon khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được lưu hành tại Việt Nam.

Chlorpyrifos Ethyl có thể gây chết người. Hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl thuộc nhóm độc II, là chất độc hại đối với con người. Da tiếp xúc với Chlorpyrifos có thể đổ mồ hôi cục bộ và các cơn co thắt cơ bắp không tự chủ. Khi mắt tiếp xúc với Chlorpyrifos, có thể gây đau, chảy nước mắt và mờ mắt.

Ngộ độc Chlorpyrifos sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi, co thắt cơ không tự chủ, co giật và cuối cùng tê liệt tứ chi cơ thể và các cơ hô hấp.

Nhiễm Chlorpyrifos trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến đại tiện không tự chủ hoặc rối loạn tâm thần, nhịp đập của tim bất thường, bất tỉnh, co giật và hôn mê. Người nhiễm Chlorpyrifos ở mức độ cao có thể chết do suy hô hấp hoặc tim ngừng đập.

Có thể thấy rằng, tình trạng loạn thuốc thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đã đến lúc cần xem xét tăng nặng khung hình phạt, trong đó có cả xử lý hình sự các đối tượng làm giả, làm nhái thuốc bảo vệ thực vật vì hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến thị trường mà còn nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang