Cảnh báo: Dịch vụ 'bắt sâu trong mắt' có thể dẫn tới mù lòa
TikTok phải chịu trách nhiệm xã hội đối với nội dung trên nền tảng và trước cộng đồng
TikTok bị Anh phạt gần 16 triệu USD vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu trẻ em
Tin theo quảng cáo trên TikTok, cô gái mất 100 triệu đi sửa mũi bị biến chứng nặng
Dịch vụ “bắt sâu mắt” ngày càng rầm rộ
Dịch vụ bắt sâu mắt đang được các chủ spa quảng cáo với công dụng "chăm sóc đôi mắt một cách toàn diện, giúp giảm thiểu các vấn đề về mắt như mỏi mắt, khô mắt, đau mắt, giúp đôi mắt sáng khỏe hơn". Theo video mà các spa đăng tải về quá trình "bắt sâu", thực tế "công nghệ tiên tiến"; "liệu pháp chuyên nghiệp" mà các chủ spa này quảng cáo là nhỏ một loại tinh dầu vào mắt. Sau đó dùng tăm bông "bắt" những sợi đen có hình thù giống như sán, sâu xuất hiện trong mắt. Và "công nghệ tiên tiến" này được các chủ spa đưa ra mức giá "bình dân" chỉ từ 60.000 - 150.000 đồng cho một lần "bắt sâu".
Dịch vụ "bắt sâu mắt" được quảng cáo trên một kênh TikTok
Một tài khoản TikTok có tên H.A. đăng đoạn clip dài khoảng 1 phút quảng cáo về dung dịch nhỏ mắt bắt sâu có thành phần chính là tinh dầu tía tô màu nâu với giá 1 triệu đồng/lọ. Theo người này, muốn bắt được "sâu mắt" phải nhỏ trực tiếp dung dịch này vào mắt rồi dùng tăm bông để kéo "sâu mắt" ra.
Để chứng minh mức độ an toàn, người này còn trực tiếp uống dung dịch và cho rằng hoàn toàn an toàn. Đoạn clip này thu hút hàng nghìn lượt xem, hàng trăm bình luận và chia sẻ. Nhiều người cho hay đã bắt chước theo clip mua lá tía tô về giã nhỏ bôi lên mắt nhưng không bắt được con "sâu".
Có thể bị hỏng mắt vì sử dụng hợp chất lạ
Sau khi xem các hình ảnh về dịch vụ “bắt sâu mắt” trên TikTok, bác sĩ Lê Duy Đông - Bệnh viện Đa khoa Hà Thành rùng mình chia sẻ: “Nhiều năm làm việc trong nghề nhưng tôi chưa từng nghe và biết đến việc "bắt sâu mắt" như quảng cáo trên mạng xã hội”.
Theo giải thích của các bác sĩ chuyên khoa mắt, sâu ở mắt cần hiểu là các loại ký sinh trùng như đỉa, vắt hay giun sán sống ký sinh trong mắt người. Ở những vùng người dân có thói quen tắm suối thì khả năng vắt, đỉa có thể theo vào khi chớp mắt. Tuy nhiên, với loại ký sinh trùng này bác sĩ phải có máy chuyên dụng để gắp ra chứ không đơn giản là nhỏ thuốc rồi dùng bông tăm lấy ra được. Còn với loại “sâu mắt” được quảng cáo ở trên mạng xã hội đó có thể là phản ứng của mắt với các chất lạ khi nhỏ vào trong mắt.
Có nhiều trường hợp người bệnh nghe lời quảng cáo tự nhỏ những thứ thuốc lạ lên mắt, khi có biến chứng mới đến bệnh viện cầu cứu thì đã muộn dẫn đến mù mắt. Hiện nay, trong cả Đông y lẫn Tây y không có việc nhỏ trực tiếp tinh dầu lên da người vì rất dễ gây tổn thương. Đối với các bác sĩ khi muốn sử dụng tinh dầu cho bệnh nhân phải pha rất loãng, kèm theo dầu nền và theo dõi chặt. Nếu nhỏ các loại tinh dầu như tía tô, bạc hà, lá trầu... lên mắt có thể phá hủy tế bào mắt dẫn đến mất thị lực, mù mắt.
Thực tế tại một bệnh viện ở Nghệ An mới đây tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân đến viện trong tình trạng hai mắt sưng đỏ, xung huyết, chảy nhiều rỉ mắt, sau khi chị này sử dụng dịch vụ "bắt sâu mắt" tại một cơ sở spa. Bệnh nhân bị viêm kết mạc khá nặng, phải sử dụng kháng sinh để tiêu viêm. Sau gần một tuần điều trị, tình trạng viêm kết mạc mới được xử lý, bệnh nhân hết sưng, đỏ, thị lực trở lại bình thường. Theo bác sĩ Lê Duy Đông, tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng, thậm chí có thể mù lòa.
Khánh Mai (t/h)