Cảnh báo mua deal giảm giá với hàng kém chất lượng

author 21:44 30/04/2014

Hình thức đặt mua deal các sản phẩm dịch vụ thông qua một nhà phân phối trung gian để nhận được các ưu đãi về giá cả đang là một xu hướng thu hút rất nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên hình thức này đang bị người tiêu dùng Việt tẩy chay vì chất lượng hàng hóa sản phẩm kém.

Hàng giảm giá thu hút người tiêu dùng nhưng chất lượng sản phẩm lại không đảm bảo

Hàng giảm giá thu hút người tiêu dùng nhưng chất lượng sản phẩm lại không đảm bảo

Hình thức bán các coupon giảm giá, mua hàng theo nhóm là một dạng thương mại điện tử mới có ở Việt Nam. Đây là ý tưởng được thành lập từ mô hình groupon của Mỹ, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Người mua được hưởng nhiều lợi ích không chỉ về giá cả mà còn đặt hàng nhanh chóng trên mạng, hàng được giao tận nơi…Giá giảm thường ở mức từ 50%, nhiều khi lên đến 90% - khá hấp dẫn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, có khoảng 100 trang web kinh doanh theo hình thức này tại Việt Nam và số lượng này đang không ngừng tăng lên. Có thể kể đến các trang hotdeal.vn (Công ty MekongCom), nhommua.com (Công ty TNHH Nhóm mua), muachung.vn (Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam), diadiemvang.vn (Công ty TNHH Địa Điểm Vàng). Các công ty này chiếm đến hơn 90 % thị phần của thị trường deal trong nước.

Trong đó, Công ty MeKongCom chỉ mới ra đời hotdeal.vn từ năm 2010 nhưng đã có trên 500 nhân viên làm việc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với trên 5 triệu đơn hàng được giao dịch thành công ( trên 10.000 đơn giao dich/ngày) đủ cho thấy sức hút từ dịch vụ này.

Lợi ích trước mắt nhưng đi kèm theo đó là những rủi ro cho người mua hàng. Sau một thời gian hoạt động đã có hàng loạt lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ của các trang bán deal.

Như trường hợp của chị Trang (Hồ Chí Minh) đặt mua một thẻ giảm giá tại nhà hàng Sushiya của một trang bán deal khá uy tín. Tuy nhiên chưa kịp sử dụng thì nhà hàng này đã đóng cửa. Chị tìm đến công ty yêu cầu trả lại tiền thì lại chỉ nhận được trả lời là tự qua nhà hàng lấy lại tiền, khiến chị khá bất ngờ. “ Vừa mất tiền vừa mua bực vào người, từ giờ mình cạch deal giảm giá ”- chị chia sẻ.

Chưa  kể đến vô số các trường hợp hàng về không đúng như chất lượng mẫu mã đã quảng cáo trên mạng, hàng bị lỗi hay sai kích thước. Những trường hợp như vậy không là mất tiền mà còn tốn công, thời gian chờ đợi, đổi trả hàng của của người mua. Chị Hằng (Hà Nội) đặt mua sản phẩm sữa tắm dê nhưng khi nhận được lại là sản phẩm không chính hãng khiến chị không dám dùng. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với anh Trường, deal anh mua có giá giảm từ 280 nghìn đồng hạ giá còn 120 nghìn đồng cho lọ nước hoa 5ml. Tuy nhiên khi nhận được hàng thì biết là hàng fake. Khi yêu cầu với bên cung cấp thì anh nhận được câu trả lời là công ty ngay từ đầu đã không cam kết đây là hàng "xịn" như lời quảng cáo.

Chị Ngọc (Hải Phòng) thì lại dở khóc dở cười khi mua chiếu 1.8 - 2m nhưng lại nhận được hàng 1.6 - 1.8m, chị yêu cầu đổi trả hàng thì lại được hồi đáp là hàng dùng cho giường 2m chứ không không phải kích thước của sản phẩm.

Một loạt các hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các trang mua bán deal khiến người sử dụng khá bất bình và có ý kiến lại trên chính các trang. Tuy nhiên những lời nhận xét đánh giá về sản phẩm đều bị xóa hoặc chỉnh sửa lại thành tốt nhằm PR cho trang.

Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, hình thức bán hàng này trên thực tế là ý tưởng tốt nhưng lại bị biến tướng trở thành trò “lừa đảo” . Các nhà kinh doanh nên có sự xem xét lại về chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ mới có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Thu Hà (Báo Công thương)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang