Cảnh báo chất lượng đồ ‘secondhand’
Masan, Vinamilk, Vinpearl đạt danh hiệu 'Nhà tuyển dụng yêu thích 2024'
Chuyển đổi số thúc đẩy gia tăng năng suất lao động tại Việt Nam
Thu hồi dưa chuột do nhiễm khuẩn salmonella khiến 68 người mắc bệnh
Đồ secondhand là những sản phẩm đã qua sử dụng, trước đó thuộc sở hữu của người khác và hiện đang được bán lại để phục vụ người tiêu dùng khác. Đồ secondhand có thể là quần áo, giày dép, đồ điện tử, đồ gia dụng, phụ kiện và đồ chơi… Sản phẩm này thường có giá thấp hơn so với sản phẩm mới tương tự, tuy nhiên, chất lượng còn phụ thuộc vào mức độ sử dụng và bảo trì từ chủ sở hữu trước.
Theo bác sĩ Bùi Mạnh Hà, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, đồ “secondhand” hay đồ "sida" chỉ một số mặt hàng như quần áo, dày dép,.. đã qua sử dụng, do tổ chức Sida của Thụy Điển quyên góp viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn khó khăn, nhưng bị tuồn ra thị trường bày bán ở vỉa hè hay các cửa hàng nhỏ. Nhưng dần dần, thuật ngữ này được dùng cho tất cả các loại quần áo, giày dép, khăn nón, phụ kiện thời trang… đã qua sử dụng, được bày bán mà không rõ nguồn gốc từ đâu.
Không thể khẳng định chắc chắn bệnh nhân mắc bệnh là do dùng đồ “sida", tuy nhiên đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao liên quan đến một số bệnh da thường gặp tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh.
Quần áo cũ tiềm ẩn mầm bệnh nếu không được khử trùng sạch trước khi bán.
Bác sĩ Hà cho hay, quần áo đã qua sử dụng thường không được xử lý tiệt khuẩn; bảo quản thời gian lâu và kém vệ sinh; xử lý tẩy, nhuộm, làm mới bằng hóa chất không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn nên khi sử dụng hoặc ngay cả khi mặc thử, có thể gây ra một số bệnh da rất thường gặp như: nhiễm nấm gồm lác, hắc lào, nấm kẽ, viêm nhiễm phụ khoa do nấm…; nhiễm ký sinh trùng: ghẻ, chấy rận…; nhiễm trùng: viêm nang lông, nhọt…; nhiễm virus: nguy cơ lây mồng gà, mụn cóc…; dị ứng, viêm da tiếp xúc: do hóa chất, bụi bẩn, hoặc do các vi sinh vật có trong quần áo cũ không được tiệt khuẩn… Và có thể nhiều tác nhân bệnh truyền nhiễm khác.
"Các nguy cơ gây bệnh khi sử dụng quần áo, vật dụng cá nhân đã qua sử dụng mà không rõ nguồn gốc, có thể không được loại bỏ hoàn toàn, cho dù chúng ta đã tự xử lý kỹ lưỡng. Do đó, nên hạn chế việc sử dụng" - bác sĩ Hà cho biết.
Để giữ an toàn khi mua quần áo cũ, người tiêu dùng nên dùng máy giặt để giặt kỹ mọi món đồ ở nhiệt độ cao nhằm mục đích khử trùng. Tiến sĩ Primrose Freestone, giảng viên cao cấp về Vi sinh lâm sàng tại Đại học Leicester (Anh) khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên giặt quần áo cũ mới mua bằng chất tẩy rửa ở nhiệt độ khoảng 60°C. Điều này không chỉ làm sạch bụi bẩn mà còn loại bỏ vi khuẩn và vô hiệu hóa tác nhân gây bệnh. Nước lạnh sẽ không hiệu quả trong việc này”.
Trường hợp không thể giặt ở nhiệt độ cao, hãy sử dụng chất khử trùng quần áo để tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, nên tách riêng quần áo cũ với quần áo đang sử dụng cho đến khi hoàn tất việc khử trùng đối với đồ cũ mới mua nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong trường hợp có bất kỳ tác nhân gây bệnh nào hiện diện.
Thanh Hiền (t/h)