Cảnh báo nhiều người dễ 'mắc bẫy' vào các thông tin làm đẹp trên mạng xã hội
Bác sĩ cảnh báo: Nhiều hệ lụy nếu lạm dụng thuốc Nam giải độc gan
Cảnh báo: Nhiều trẻ nguy kịch do lạm dụng thực phẩm chức năng
Nhiều trường hợp lạm dụng thực phẩm chức năng: 'Tiền mất, tật mang'
Nhóm người dễ mắc bẫy vào các thông tin làm đẹp trên mạng xã hội
PGS.TS. Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện nay người dân được tiếp cận với rất nhiều thông tin khác nhau về làm đẹp, đặc biệt là các thông tin trên mạng xã hội, nhưng đôi khi tiếp nhận mà không được tư vấn đúng sẽ khiến họ bị lệch lạc, làm đẹp sai cách, thiếu an toàn.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, có 2 nhóm chính dễ "mắc bẫy" làm đẹp, đầu tiên là các bạn trẻ bắt đầu đến tuổi làm đẹp, tuổi mới lớn. Họ tìm hiểu và tự mua các sản phẩm trên mạng, tự tìm cách sử dụng chúng. Nhiều bạn trẻ còn làm đẹp theo thần tượng, theo 'review' rất nhiều sản phẩm trên tiktok, facebook như bôi AHA, BHA... mà chưa hiểu rõ cơ chế, tác dụng, cách dùng thế nào để hiệu quả nhất.
Nhóm thứ 2 là những người ở độ tuổi 30-40. Đây là nhóm tuổi bắt đầu nhận ra rằng, thời gian làm cho sắc đẹp giảm sút so với tuổi thanh xuân và người ta thấy lo lắng hơn về vấn đề lão hóa. Các thông tin làm đẹp họ tiếp cận được rất nhiều chiều, nếu không được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn thì dễ gây hậu quả nặng nề.
BSCK2 Nguyễn Quang Minh – Phó Trưởng khoa Nghiên cứu, Ứng dụng công nghệ tế bào gốc cũng cảnh báo, thực trạng nhiều người vì tin quảng cáo nên đã gặp tai biến phải đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để sửa chữa. Các bệnh nhân hay tập trung độ tuổi từ 30 đến 40 là độ tuổi bắt đầu có dấu hiệu liên quan đến lão hóa nhiều hơn.
Một thực tế được các bác sĩ chỉ rõ là người dân vẫn có quan niệm làm đẹp, can thiệp thẩm mỹ thì đến các cơ sở spa, thẩm mỹ viện mà không cần quan tâm cơ sở có được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ hay không. Khi gặp biến chứng, tai biến họ mới đến bệnh viện để sửa sai.
Chính vì vậy, BSCK2 Nguyễn Quang Minh khuyến cáo, đối với các thủ thuật làm đẹp liên quan đến việc đưa các hoạt chất, hay thuốc vào trong cơ thể hoặc đơn giản nhất chỉ là làm đẹp liên quan đến cấu trúc làn da… thì người dân cần đến các cơ sở y khoa, các cơ sở được cấp phép để thực hiện. Bên cạnh đó cần quan tâm tìm hiểu thông tin về người thực hiện dịch vụ phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ cũng như các danh mục kỹ thuật thực hiện ở cơ sở đó phải công khai, minh bạch, được cơ quan quản lý cho phép thực hiện... Đặc biệt chúng ta không nên chạy theo quảng cáo hoặc giá rẻ để làm đẹp bất chấp, gây họa cho sức khỏe.
Tai biến khó lường từ làm đẹp theo truyền miệng trên mạng xã hội
PGS-TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cho biết, nhu cầu làm đẹp đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Đáng nói, việc xuất hiện nhiều "bác sĩ tay ngang", thậm chí nhân viên spa cũng làm thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp mọc lên tràn lan cùng những lời quảng cáo hấp dẫn khiến tỉ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ ngày càng tăng.
Một trường hợp cụ thể mới đây tại TP.HCM. Theo đó chị N.T.T (37 tuổi) dùng rượu gừng nghệ hạ thổ thoa lên da theo kinh nghiệm lan truyền trên mạng với hi vọng có làn da sáng, cơ thể săn chắc, thon gọn sau khi sinh con. Tuy nhiên, sau đó chị bị ngứa rát, mẩn đỏ toàn thân. Đến ngày thứ hai thoa rượu thì xuất hiện các triệu chứng bất thường, khó chịu nên vội cấp tốc đến bệnh viện.
Chuyên gia da liễu cho rằng, đây là một kinh nghiệm dân gian, nhiều người truyền nhau về công dụng làm săn chắc da và thon gọn cơ thể, giảm béo và giảm cân nặng… dành cho phụ nữ sau sinh và thừa cân. Song không nên chủ quan áp dụng ngay, bởi rượu ngâm gừng dù trong thành phần có gingerol có tác dụng giảm cholesterol, gừng có tính nóng tạo nhiệt lượng nóng khi áp lên da, nghệ có tính kháng viêm và làm trắng, rượu được xem là dung môi dẫn thuốc… thì cũng phải chú ý, nhiều người khi áp vào da quấn nóng tạo một phản ứng với các hoạt chất đó, gây nên tình trạng bỏng rát do tiếp xúc trên da, nhất là vùng da mỏng.
Một số người còn dùng rượu gừng, nghệ hạ thổ bôi tẩy lên da mặt hy vọng có thể hết nám, nhưng chưa hết nám đã gặp phải vấn đề dị ứng, da viêm đỏ, bong vẩy và kích ứng… Nếu dùng phải rượu pha cồn công nghiệp thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe còn cao hơn nữa do có nhiều độc tính dễ gây tình trạng bong da không kiểm soát.
Do đó, mọi người cần tìm hiểu nguồn gốc, đánh giá thử một ít trên da vùng khác, rồi xem tình trạng dị ứng có hay không trước khi áp dụng các vùng khác; không nên tin theo đồn đoán thiếu cơ sở khoa học.
Theo PGS Doanh, hiện nay xu hướng lựa chọn làm đẹp của giới trẻ thường là đến cơ sở thẩm mỹ và nếu có biến chứng sẽ đến bệnh viện để giải quyết hậu quả. Đáng lo ngại, tại nhiều cơ sở thẩm mỹ, người thực hiện tiêm filler không có bằng cấp chuyên môn, tay nghề nhưng đã lợi dụng tâm lý làm đẹp của chị em gây nên những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thực thế đã ghi nhận nhiều ca tử vong.
An Dương (T/h)