Cảnh báo: Ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ

author 06:21 17/06/2022

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu của Mỹ mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng, ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ của mỗi người.

Nghiên cứu từ Đại học Chicago cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình xuống hơn hai năm, tương đương tác hại của hút thuốc lá. Nghiên cứu công bố mới đây do Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) thực hiện.

Công trình chỉ ra rằng khói bụi và ô nhiễm khiến người dân Nam Á giảm 5 năm tuổi thọ. Trong đó, Ấn Độ chiếm khoảng 44% mức gia tăng ô nhiễm không khí trên toàn thế giới kể từ năm 2013.

Người dân Trung Quốc có thể sống lâu hơn trung bình 2,6 năm nếu đạt được tiêu chuẩn về PM2.5 (bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron, gây hại cho cơ thể) mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Tuổi thọ người dân nước này đã tăng khoảng hai năm kể từ 2013, khi Trung Quốc bắt đầu "cuộc chiến chống ô nhiễm" nhằm cắt giảm khoảng 40% PM2.5.

Trước đó, WHO cũng cho biết nếu mức PM2.5 toàn cầu giảm xuống còn 5 µg/m³, tuổi thọ trung bình sẽ tăng thêm 2,2 năm.

 Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tuổi thọ của con người. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu mới cảnh báo sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí tồi tệ hơn nhiều so với HIV/AIDS. Các nhà khoa học cho rằng đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, song chưa nhận được nguồn kinh phí thích hợp để giải quyết.

Christa Hasenkopf, Giám đốc bộ phận Chỉ số Chất lượng Cuộc sống của EPIC, cho biết: "Giờ đây, chúng ta đã hiểu biết rõ hơn về tác động của ô nhiễm môi trường. Các chính phủ nên ưu tiên xử lý nó như một vấn đề cấp bách".

Phân tích của EPIC dựa trên nghiên cứu trước đây, cho thấy việc tiếp xúc liên tục với 10 µg/m³ PM2.5 sẽ làm giảm khoảng một năm tuổi thọ.

Theo cuộc khảo sát về dữ liệu ô nhiễm môi trường công bố vào đầu năm nay, không quốc gia nào đạt được tiêu chuẩn 5 µg/m³ của WHO vào năm 2021.

Nhìn chung, các nhà khoa học cho biết hơn 97% dân số toàn cầu đang sinh sống ở các khu vực có ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến nghị.

Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng vùng tai mũi họng mà còn tác động lên các cơ quan cơ thể như phổi và hệ thống mạch máu. Theo đó, tiếp xúc lâu dài với bụi mịn gây viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim, thúc đẩy bệnh xơ gan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến hệ thần kinh...

Dữ liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy gần như toàn bộ dân số thế giới (99%) hít thở không khí có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao.

Con số kỷ lục hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia hiện đang theo dõi chất lượng không khí, nhưng người dân ở những thành phố đó vẫn đang phải hít thở các hạt mịn và nitơ điôxít ở mức nguy hiểm, những người sống ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình là đối tượng tiếp xúc nhiều nhất. Những con số mà WHO đưa ra nêu bật tầm quan trọng của việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và áp dụng các biện pháp cụ thể khác để giảm mức độ ô nhiễm không khí.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những dữ liệu mới nhất này phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. “Giá nhiên liệu hóa thạch cao, an ninh năng lượng và sự cấp bách của việc giải quyết các thách thức sức khỏe kép là ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tiến bộ nhanh hơn hướng tới một thế giới ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch” – WHO nêu rõ.

Vật chất dạng hạt, đặc biệt là PM2.5, có thể xâm nhập sâu vào phổi và vào máu, gây ra các rối loạn về tim mạch, mạch máu não (đột quỵ) và hô hấp. Đồng thời, nitơ điôxít có liên quan đến các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn. Nó dẫn đến các triệu chứng hô hấp (chẳng hạn như ho, thở khò khè hoặc khó thở), nhập viện và đến phòng cấp cứu.

Theo WHO, hơn 13 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm là do các nguyên nhân môi trường có thể ngăn ngừa được, trong đó có 7 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí.

WHO kêu gọi tăng cường nhanh chóng các hành động để cải thiện chất lượng không khí. Mục đích là để xác định các nguồn gây ô nhiễm khí quyển. WHO cũng khuyến nghị hỗ trợ việc chuyển đổi sang sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch trong gia đình để nấu nướng, sưởi ấm và thắp sáng.

Cơ quan Liên hợp quốc cũng mong muốn thiết lập các hệ thống và mạng lưới giao thông công cộng an toàn và giá cả phải chăng phù hợp với người đi bộ và đi xe đạp. Điều này nhằm áp dụng "tiêu chuẩn khắt khe hơn" về lượng khí thải và hiệu quả của xe.

Những khuyến nghị của WHO cũng liên quan đến việc đầu tư vào nhà ở và nhà máy điện tiết kiệm năng lượng. WHO cũng kêu gọi cải thiện việc quản lý rác thải công nghiệp và rác thải đô thị, đồng thời giảm đốt rác thải nông nghiệp, cháy rừng và một số hoạt động nông lâm kết hợp như sản xuất than củi.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang