Cảnh báo: Que cấy tránh thai 'trôi' đến bắp tay

authorKhánh Mai 06:44 12/03/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội đã tiến hành chụp X-quang bắp tay phải một người phụ nữ 32 tuổi và phát hiện que cấy tránh thai bị “đi lạc” nằm sâu trong phần cơ.

Ngày 10/3, bác sĩ Trần Quốc Thắng, Trưởng Khoa Phụ Sản 1, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết bình thường que tránh thai được cấy ở dưới da khoảng 0,3-0,5 mm, sờ bằng tay có thể cảm nhận được như một que tăm. Bệnh nhân này gần đây sờ không thấy que, ảnh chụp X-quang cho thấy que không nằm dưới da mà sâu trong phần cơ cánh tay phải. Bác sĩ chỉ định mổ lấy que, tránh dị vật đi sâu vào ngực, tim, ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên, do que đi lạc, khi can thiệp bác sĩ phải rạch đường dài 3-6 cm để tìm que. Do lo lắng, bệnh nhân chưa mổ ngay, xin về nhà theo dõi thêm.

Hình ảnh que cấy tránh thai "đi lạc" sâu trong cơ bắp tay của bệnh nhân 

Trước đó, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân N.T.T. (H.Nam Đàn, Nghệ An) đến để kiểm tra que tránh thai bị đi sâu vào trong cơ bắp tay. Theo lời kể của chị T., sau khi sinh được 2 con, chị T. đã quyết định đặt que tránh thai. Sau 3 năm, đến thời hạn đi tháo que, nhân viên y tế phát hiện que tránh thai ở vị trí khó nên đã tư vấn cho chị T. nhập viện. 

Sau khi thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp que tránh thai “đi lạc” sâu vào tổ chức cơ phức tạp, chứa nhiều mạch máu, dây thần kinh và không thể kéo ra ngoài bằng phương pháp tiêm thuốc tê rồi rạch đường nhỏ dưới da tay.

Các bác sĩ của khoa Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An) đã tiến hành hội chẩn với bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện để lên phương án phẫu thuật, đưa dị vật ra ngoài an toàn.

Que tránh thai “đi lạc” phần lớn do kỹ thuật cấy que chưa phù hợp. Ảnh minh họa 

Que tránh thai là thanh nhựa nhỏ chứa nội tiết tố levonorgestrel hay etonogestrel, được cấy dưới da cánh tay không thuận, giúp phụ nữ tránh thai từ 3 đến 5 năm. Que tránh thai “đi lạc” phần lớn do kỹ thuật cấy que chưa phù hợp, nếu không được can thiệp lấy sớm, que tránh thai có thể tiếp tục đi sâu, đụng bó mạch thần kinh. Người bệnh có thể bị viêm, chèn ép dây thần kinh, khó khăn trong việc nâng, mang, vác đồ vật thường ngày, không loại trừ khả năng gây vỡ mạch máu, gây tê - yếu liệt tay, hoặc tiếp tục di chuyển đến các bộ phận trong cơ thể.

Để đề phòng que cấy tránh thai “đi lạc” nguy hiểm, theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn, nên thực hiện thủ thuật ở các bệnh viện và nên tái khám để kiểm tra theo hẹn của bác sĩ. Khi thấy có biểu hiện của các tác dụng phụ kéo dài bất thường khi cấy que tránh thai và xuất hiện các dấu hiệu khác thường, chị em cần thăm khám, theo dõi và được tư vấn kịp thời tại các cơ sở y tế uy tín.

Cũng theo các bác sĩ sản khoa, que cấy tránh thai là một phương pháp tránh thai tốt cho phụ nữ đang cho con bú, những người bị bệnh tim mạch hoặc bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục mà không thể áp dụng phương pháp đặt vòng. Tuy nhiên, que cấy tránh thai không thích hợp cho tất cả mọi người.

Các bác sĩ cũng không khuyến khích sử dụng que cấy tránh thai với những trường hợp như: Có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của mô cấy; từng bị đông máu nghiêm trọng, đau tim hoặc đột quỵ; có khối u gan hoặc bệnh gan; đã biết hoặc nghi ngờ ung thư vú hoặc tiền sử ung thư vú; chảy máu bộ phận sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang