Cảnh báo rủi ro từ xe điện không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật an toàn

author 18:31 19/06/2024

(VietQ.vn) - Đối với xe điện không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và không đạt quy chuẩn kỹ thuật an toàn sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Liên tiếp thu giữ xe điện không rõ nguồn gốc xuất xứ

Bên cạnh những xe điện có thương hiệu đều được sản xuất và kiểm định an toàn, trong đó có phòng chống cháy nổ cũng có rất nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc và thương hiệu được bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi không được kiểm định quy chuẩn an toàn.

Cụ thể 10/3/2024, tại Km1084+300 Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Tú Sơn 2, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), Tổ công tác tuần tra của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện trên xe ô tô tải BS: 36C-156… do T.M.K (sinh năm 1999, ngụ thôn Thanh Mai, xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển (đi cùng còn có tài xế N.N.T) đang vận chuyển hàng hoá gồm 30 chiếc xe đạp điện các loại, các linh kiện, phụ tùng kèm theo như: Dây sạc, pin (ắc quy) và một số hàng hóa khác. Tại thời điểm kiểm tra, K và T không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định. 

Tiếp đến, ngày 8/4, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang tiến hành xác minh và làm việc với ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Quốc An liên quan đến nghi vấn kinh doanh hàng hoá nhập lậu là 64 chiếc xe điện. 

Tại buổi làm việc, ông Hòa không cung cấp được giấy tờ gì liên quan tới 64 chiếc xe điện. Trong đó, có 33 xe đã lắp ráp thành xe, 31 chiếc chưa lắp giáp. Toàn bộ số hàng hóa trên được ông Hòa khai mua gom trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời. Trên sản phẩm của các hàng hóa có ghi chữ nước ngoài và là hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Căn cứ vào ý kiến trình bày của ông Hòa, tổ công tác kết luận Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Quốc An có hành vi "Kinh doanh hàng hóa nhập lậu".

Liên tiếp thu giữ xe điện không rõ nguồn gốc, không đạt chuẩn an toàn. Ảnh: Cục QLTT Bình Định 

Tại tỉnh Bình Định, từ 27- 29 tháng 5, Đội Quản thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 89H-012xx, phát hiện 93 xe máy điện các loại và 413 sản phẩm phụ tùng xe điện. Được biết đây là xe chở hàng từ Lạng Sơn vào thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng khoảng thời gian này, Đội Quản thị trường số 3 tiếp tục kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 89H-xxx.30, phát hiện và tạm giữ 26 chiếc xe đạp điện, 41 chiếc xe máy điện các loại và 1.000 chiếc đèn (led) xe điện, 5 động cơ xe điện, 5 bộ điều khiển. Thời điểm kiểm tra, các lái xe không xuất trình được hóa đơn hợp lệ, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ khoảng 1 tỷ đồng.

Nguy cơ cháy nổ từ xe điện không đảm bảo an toàn

Hiện nay, các mẫu xe điện phổ biến trên thị trường sử dụng 2 loại động cơ là ắc quy và pin 100%. Những xe điện có thương hiệu đều được sản xuất và kiểm định an toàn, trong đó có phòng chống cháy nổ. Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc, thương hiệu được bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi không được kiểm định quy chuẩn an toàn.

Nhất là gần đây, một số địa phương xảy ra cháy nổ nghi có liên quan đến xe đạp điện và xe máy điện không đảm bảo an toàn. Do đó, người dân cần thận trọng, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ các loại xe đạp điện, xe máy điện. Điển hình trong đó là bình ắc quy xe có các mối nối, nếu không được cách điện tốt thì có thể phóng điện, dẫn đến cháy nổ hệ thống.

Khi một chiếc xe bị cháy, nổ bình điện/ắc quy sẽ lan ra các xe khác dẫn đến tình trạng nổ lớn. Như trong vụ cháy tại ngõ 119 Trung Kính (Hà Nội), nhiều nhân chứng cho biết nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn trước khi ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Điều này cho thấy, việc cháy xe điện theo hệ thống là có thể xảy ra.

Trung tá Phạm Huy Quang - Khoa Phòng cháy, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết, sự nguy hiểm cháy nổ của xe điện liên quan chủ yếu tới kích thước và dung lượng của các khối pin.

Các khối pin có năng lượng càng lớn thì càng dễ gây ra những rủi ro về cháy. Một khi pin xe điện cháy sẽ rất khó kiểm soát. Pin Lithium-ion (pin thường sử dụng cho xe điện) cháy ở nhiệt độ cực cao, có thể kéo dài nhiều ngày và gây ra thiệt hại lớn. Chúng có thể bùng phát trở lại ngay sau khi ngọn lửa tưởng như đã được dập tắt. Nếu không được quản lý đúng cách, cháy pin có thể thải ra khí và chất hóa học cực độc trong nhiều giờ và rất khó xử lý.

Nhiều chuyên gia về xe điện cho hay, thực chất loại phương thiện này không dễ cháy nổ, tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách thì vẫn có thể xảy ra những trường hợp không mong muốn. Nhiều người mua xe điện giá rẻ rồi cứ thế đi không quan tâm đến bảo dưỡng định kỳ nên nguy cơ xảy ra cháy nổ cao hơn.

Đặc biệt, xe điện nếu sạc qua đêm, quá thời gian pin mà không được rút điện cũng có thể xảy ra cháy nổ. Hay pin/ắc quy sử dụng lâu ngày, bị chai cũng gia tăng nguy cơ dẫn đến cháy nổ.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chọn mu xe của những thương hiệu uy tín, được kiểm định về độ an toàn. Không mua những dòng xe giá rẻ, trôi nổi trên thị trường, xe Trung Quốc không rõ nguồn gốc, không có nhà phân phối uy tín.

Quá trình sử dụng, người dân cần tuân thủ cần chở đúng số người quy định, định kỳ kiểm tra bảo dưỡng ắc quy, pin và hệ thống điện. Một trong những lưu ý quan trọng khi sử dụng xe điện là cần thay bình ắc quy hoặc pin sau khoảng 2 năm sử dụng.

Tiêu chuẩn quốc gia cho phương tiện cơ giới đường bộ đang áp dụng

Tính đến nay, tổng số tiêu chuẩn quốc gia đang áp dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ và trạm sạc xe điện là gần 280 tiêu chuẩn quốc gia: ô tô có 140  tiêu chuẩn quốc gia; mô tô, xe máy có 100  tiêu chuẩn Việt Nam; xe đạp có 18  tiêu chuẩn quốc gia; trạm sạc và thiết bị liên quan 19 tiêu chuẩn quốc gia.

Trong các tiêu chuẩn quốc gia trên có 52 tiêu chuẩn cho xe điện và trạm sạc và thiết bị liên quan. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thời gian qua, việc xây dựng các tiêu chuẩn vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Một số nội dung tiêu chuẩn chưa đề cập đến, chưa đảm bảo được các yêu cầu phát sinh, thay đổi lớn trong thời gian gần đây.

Về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, hiện chỉ có 5 quy chuẩn kỹ thuật dành riêng cho xe điện, gồm:

QCVN 68/2013/BGTVT và Sửa đổi 1:2015 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện.

QCVN 75:2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Động cơ sử dụng cho xe đạp điện.

QCVN 76: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Ắc quy sử dụng cho xe đạp điện.

QCVN 90: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Động cơ sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện.

QCVN 91: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện.

Được biết, danh mục các nhóm tiêu chuẩn quốc gia (dự kiến) xây dựng năm 2023-2025 về xe điện, trạm sạc xe điện bao gồm: Phích cắm, bộ nối (đầu sạc); bộ sạc không dây; dây và cáp điện; thiết bị bảo vệ cá nhân (thiết bị dòng dư); thiết bị đo đếm điện năng để hỗ trợ tính phí; tương thích điện từ; phương tiện giao thông đường bộ - động cơ điện của xe điện; phương tiện giao thông đường bộ - hệ thống truyền dẫn điện của xe điện.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang