Cảnh báo tình trạng dùng thuốc an thần quá liều
Sản phẩm mang thương hiệu KOHINOOR quảng cáo 'nổ' công dụng trên mạng xã hội
Nỗ lực thúc đẩy EU gỡ bỏ biện pháp kiểm soát Etylen oxit đối với sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam
Trước đó, bà Đ. uống thuốc không rõ loại dẫn đến bị bất tỉnh. Sau đó, bà được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu.
Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận cụ bà bị hôn mê, tụt huyết áp. Theo người nhà, cụ bà có biểu hiện bị lẫn, lúc nhớ lúc quên và gần đây thường xuyên mất ngủ, uống thuốc an thần mỗi ngày. Cụ còn mắc nhiều bệnh mạn tính gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thượng thận. Các bác sĩ chẩn đoán, tình trạng của cụ bà do quá liều thuốc an thần mức độ nặng, nguy cơ tụt lưỡi, suy hô hấp, tử vong cao.
Sau khi hội chẩn, người bệnh được tiến hành đặt ống thở máy bảo vệ đường thở. Sau 2 ngày được các bác sĩ tích cực điều trị, hồi sức, cụ bà qua cơn nguy kịch, tỉnh táo dần, được rút ống nội khí quản, và đang tiếp tục theo dõi điều trị.
Theo BS Lâm Thị Hồng Diễm, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, thuốc an thần gây ngủ dễ bị lạm dụng và phải được kê đơn bởi bác sĩ. Khi sử dụng thuốc không hợp lý, có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng hoặc bị lệ thuộc và nghiện thuốc.
BS Diễm khuyến cáo, người cao tuổi nên uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không uống thêm thuốc mà bác sĩ không kê đơn. Với trường hợp người già có biểu hiện lú lẫn, gia đình cần hỗ trợ ông bà, tránh tình trạng uống nhầm hoặc quá liều thuốc, ảnh hưởng sức khỏe thậm chí gây tử vong.
Theo chuyên gia y tế, thuốc ngủ có tác dụng ức chế hoạt động thần kinh, gây ra trạng thái buồn ngủ cho cơ thể. Do đó, nhiều người mất ngủ đã tự tìm tới các thuốc này bất chấp khuyến cáo ảnh hưởng tới não bộ cũng như những hệ lụy khác khi lạm dụng thuốc.
Nhiều người có thói quen tự mua các loại thuốc an ngủ và tự ý sử dụng không đúng liều lượng. Hành động này không chỉ làm giảm tác dụng của thuốc, mà dễ gây ra hiện tượng nhờn thuốc. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp sử dụng các loại thuốc an thần trị mất ngủ có tác dụng rõ rệt trong thời gian đầu. Tuy nhiên, sau đó, mất ngủ càng trở nên trầm trọng, thậm chí cả khi đã sử dụng thuốc an thần hay sau khi tăng liều sử dụng.
Ngoài tác dụng gây ngủ, các thuốc an thần còn giúp thư giãn cơ thể. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ, có nguy cơ bị lệ thuộc thuốc. Khi sử dụng thuốc an thần này, đầu tiên, người bệnh sẽ nhận thấy tác dụng với chỉ một liều thấp. Sau đó, để đạt được cảm giác dễ chịu ban đầu, người ta phải dần dần tăng liều. Hiện tượng này gọi là dung nạp thuốc. Nhiều thuốc nhóm an thần nhẹ có thể gây ra quá trình dung nạp rất sớm.
Bởi vậy, người dùng dễ dàng bị lệ thuộc thuốc này chỉ sau thời gian ngắn. Lệ thuộc thuốc an thần làm người dùng luôn luôn có nhu cầu sử dụng thuốc. Việc ngừng sử dụng hoặc kiểm soát liều dùng là rất khó thực hiện. Hậu quả là, người dùng sẽ gặp nhiều vấn đề khác về sức khỏe, tiền bạc, công việc…
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim trong nhóm người thường xuyên sử dụng thuốc ngủ cũng cao hơn đáng kể so với nhóm ít hoặc hiếm khi sử dụng những thuốc này. Mặt khác, số nạn nhân tai biến mạch máu não cũng cao gấp 3 lần trong nhóm người cao huyết áp trước đó có lệ thuộc thuốc an thần so với nhóm không lệ thuộc. Rõ ràng, lạm dụng thuốc an thần gây ngủ cũng làm tăng nguy cơ tai biến mạch não, tử vong.
Do đó, người mất ngủ cần biết rằng, các thuốc an thần chỉ hỗ trợ dễ ngủ, chứ không điều trị được tận gốc. Cần phải xác định nguyên nhân gây mất ngủ để có biện pháp điều trị phù hợp. Có nhiều nguyên nhân gây ra mất ngủ. Các nguyên nhân chính là trầm cảm, rối loạn tuần hoàn, huyết áp, lo âu,… Thậm chí có trường hợp mất ngủ do lạm dụng thuốc an thần trước đó. Với từng nguyên nhân sẽ có những hình thức điều trị cụ thể khác nhau.
An Nguyên