Cảnh báo tình trạng trẻ nhỏ hóc hạt vòng làm từ nhựa

author 16:39 02/06/2022

(VietQ.vn) - Bé gái 3 tuổi tại Bắc Giang vừa bị hóc hạt vòng bằng nhựa đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Sản- Nhi Bắc Giang xử lý kịp thời.

Khai thác từ người nhà bệnh nhi cho biết, khoảng một tuần gần đây bé N.T.A, ở phường Ngô Quyền thường xuyên quấy khóc, khó thở, quan sát bằng mắt thường thấy có dị vật nằm sâu trong mũi nên gia đình đã đưa bé đến bệnh viện khám.

Bác sĩ Đặng Thị Loan, chuyên khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết, dị vật được lấy ra là hạt vòng nhỏ bằng nhựa, hình tròn. Dị vật được phát hiện và lấy ra kịp thời nên chưa gây viêm nhiễm, tổn thương mũi của trẻ, song nếu để lâu ngày, trẻ hít sâu có thể khiến hạt nhựa trôi vào đường thở hoặc đường tiêu hóa sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

 Hình ảnh hạt vòng bằng nhựa được lấy ra. Ảnh: Báo Bắc Giang

Gần đây, tình trạng trẻ hóc, nuốt dị vật xảy ra khá phổ biến. Đầu tháng 5, Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang tiếp nhận một bệnh nhi 11 tháng tuổi, ở xã Trung Sơn (Việt Yên) bị ho dai dẳng. Khi gia đình đưa trẻ đi khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện cháu có dị vật nằm trong phế quản, nghi là ghim băng.

Xác định đây là ca bệnh hiếm gặp, phức tạp ở trẻ nhỏ nên bệnh viện đã chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiến hành thủ thuật gắp dị vật. Được biết, dị vật được gắp ra là dây tóc bóng đèn (một vật thường có trong đồ chơi của trẻ nhỏ) đã bị han gỉ.

Trước đó, bệnh viện còn tiếp nhận bé Hoàng Ngọc Diễm (05 tuổi, trú tại xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) bị hóc đồng xu đường kính 2cm trong thực quản.

Người nhà cháu Diễm cho biết: “Cháu Diễm cùng anh trai sang nhà hàng xóm chơi và mang một số đồ chơi về nhà. Sau đó thấy cháu trai báo là cháu Diễm nuốt đồng xu vào trong bụng. Không biết xử trí ra sao và lo sợ cháu Diễm có thể gặp nguy hiểm nên ngay lập tức tôi liền đưa cháu nhập viện Sản Nhi Bắc Giang để được điều trị kịp thời”.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sỹ Khoa Ngoại đã chỉ định cho bệnh nhi chụp X-quang để xác định chính xác vị trí của dị vật. Kết quả nhận thấy đồng xu đường kính khoảng 2cm bị mắc kẹt tại thực quản của bệnh nhi. Rất may dị vật có cạnh tròn xung quanh nên không gây bít đường thở của trẻ. 

Cũng theo bác sĩ Loan, bệnh viện thường xuyên cấp cứu, xử lý nhiều trường hợp bệnh nhi hóc, nuốt dị vật. Trẻ từ 2-5 tuổi là lứa tuổi thường bị hóc dị vật như đồ chơi; các loại hạt (ngô, lạc, thóc...).

Nguy hiểm hơn có cả dị vật bằng kim loại nhỏ, nếu để lâu trong cơ thể sẽ tiết ra hóa chất gây bào mòn nhiễm trùng rất nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ chú ý để trẻ tránh xa những đồ vật nhỏ như: Lego nhỏ, ghim băng, nắp bia, các loại hạt. Thường xuyên nhắc trẻ không nên đùa nghịch, nói chuyện khi đang ăn; không cho các vật và đồ chơi vào miệng...

Do đó khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như: Khó thở, chảy nước mũi nhiều hoặc triệu chứng của ngạt, khó thở cần bình tĩnh hướng dẫn trẻ ho, khạc, xì mũi để dị vật nhỏ có thể văng ra ngoài hoặc nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế có chuyên khoa tai - mũi - họng để các bác sĩ xử lý kịp thời.

Để giảm nguy cơ hóc dị vật ở trẻ, bác sỹ CKI Phạm Văn Đại – Trưởng Khoa Ngoại cũng có khuyến cáo tới các bậc phụ huynh:

– Không nên cho trẻ chơi những đồ chơi nhỏ, dễ vỡ và luôn để mắt tới trẻ khi trẻ đang chơi đùa. Những vật trẻ dễ nuốt phải như: đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, viên bi, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ…

– Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm và tập cho trẻ lớn có thói quen ăn chậm, nhai kỹ.

– Không để trẻ cho đồ trang sức vào miệng vì trẻ dễ nuốt vào.

– Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả có hạt vì hạt dễ rơi vào đường thở hoặc thực quản có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời… Trường hợp thấy trẻ đang ngậm, ăn những đồ ăn dễ gây hóc thì không nên hoảng hốt la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi sẽ càng dễ hóc dị vật hơn. Khi trẻ đang cười thì phụ huynh cũng không nên cho trẻ ăn thức ăn hoặc cho trẻ uống thuốc vì dễ khiến trẻ bị nghẹn, sặc.

Đặc biệt, khi phát hiện trẻ nuốt phải dị vật thì cần sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, không nên tự ý điều trị cho trẻ tại nhà hay điều trị theo mẹo dân gian sẽ khiến bệnh tình trở nên phức tạp và nguy hiểm tới sức khoẻ của trẻ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang