Cảnh báo: Uống rượu khi mang thai có thể làm thay đổi cấu trúc não của trẻ

author 15:00 30/11/2022

(VietQ.vn) - Theo bác sĩ người nước Áo, phụ nữ mang thai nếu uống rượu dù chỉ lượng nhỏ cũng có thể làm thay đổi cấu trúc và làm chậm quá trình phát triển não bộ của trẻ.

Phụ nữ mang thai luôn được khuyến cáo không nên sử dụng các loại chất kích thích, đặc biệt là rượu bia vì nó có những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thai nhi.

Tiến sĩ Patric Kienast, Đại học Y khoa Vienne, Áo, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, uống rượu khi mang thai có thể khiến thai nhi mắc một nhóm bệnh gọi là rối loạn phổ rượu ở thai nhi. Trẻ sinh ra bị rối loạn phổ rượu thai nhi có thể bị khuyết tật học tập, các vấn đề về hành vi hoặc chậm nói và rối loạn ngôn ngữ. Đây là kết quả nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội X quang Mỹ.

"Nhiều phụ nữ mang thai không nhận thức được ảnh hưởng của rượu đối với thai nhi trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi không chỉ là nghiên cứu mà còn phải tích cực tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về tác động của rượu đối với thai nhi", tiến sĩ Patric Kienas cho biết thêm.

Uống rượu trong thai kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não bộ trẻ nhỏ. Ảnh minh họa 

Rượu khi uống sẽ ngấm vào máu. Máu của người mẹ cũng lưu thông qua thai nhi, vì vậy máu sẽ đi qua cơ thể đang phát triển của em bé. Mặc dù một chút rượu có thể không gây khó chịu nhiều cho người mẹ, nhưng nó có thể cản trở nghiêm trọng sự phát triển, đặc biệt là sự tăng trưởng và phát triển hệ thần kinh trung ương của trẻ. Loại tổn thương này ở trẻ sơ sinh được gọi là "Rối loạn phổ rượu ở thai nhi". Thuật ngữ này mô tả một loạt các bất thường từ nhẹ đến nặng.

Đối với nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích kiểm tra MRI (chụp cộng hưởng từ) của 24 thai nhi tiếp xúc với rượu trước khi sinh. Các bào thai nằm trong khoảng từ 22 đến 36 tuần tuổi thai tại thời điểm chụp MRI. Phơi nhiễm rượu được xác định thông qua các cuộc khảo sát. Các bảng câu hỏi được sử dụng là Hệ thống theo dõi đánh giá rủi ro khi mang thai (PRAMS), một công cụ đo lường gồm các câu hỏi xác định nguy cơ uống rượu.

Ở thai nhi tiếp xúc với rượu, tổng điểm trưởng thành của thai nhi thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng phù hợp với độ tuổi và rãnh thái dương trên bên phải (STS) nông hơn. STS liên quan đến nhận thức xã hội, tích hợp nghe nhìn và nhận thức ngôn ngữ.

Tiến sĩ Kasprian cho biết: "Chúng tôi đã tìm thấy những thay đổi lớn nhất ở vùng não thái dương và STS. Khu vực này, và cụ thể là sự hình thành của STS, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngôn ngữ trong thời thơ ấu".

Những thay đổi về não đã được nhìn thấy ở thai nhi ngay cả khi tiếp xúc với rượu ở mức độ thấp. 17 trong số 24 bà mẹ uống rượu tương đối ít, với mức tiêu thụ rượu trung bình dưới một ly mỗi tuần, tuy nhiên, vẫn phát hiện những thay đổi đáng kể ở những bào thai này dựa trên MRI trước khi sinh.

Theo các nhà nghiên cứu, sự chậm phát triển não bộ của thai nhi có thể liên quan cụ thể đến giai đoạn myel hóa chậm ở thùy trán và thùy chẩm.

Quá trình myelin hóa rất quan trọng đối với chức năng của não và hệ thần kinh. Myelin bảo vệ các tế bào thần kinh, cho phép chúng truyền thông tin nhanh hơn. Các mốc phát triển quan trọng ở trẻ sơ sinh, như lật, bò và xử lý ngôn ngữ có liên quan trực tiếp đến quá trình này. Sự myelin hóa được bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai nhi, tiếp tục sau khi ra đời và hoàn chỉnh khi trẻ 8 tuổi.

Quá trình gyrization đề cập đến sự hình thành các nếp gấp của vỏ não. Sự gấp nếp này mở rộng diện tích bề mặt của vỏ não với không gian hạn chế trong hộp sọ, cho phép tăng hiệu suất nhận thức. Khi quá trình myelin hóa bị giảm đi, chức năng này cũng sẽ giảm đi.

Tiến sĩ Kienast cho biết: "Phụ nữ mang thai nên tuyệt đối tránh uống rượu. Như chúng tôi đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình, ngay cả khi uống rượu ở mức độ thấp cũng có thể dẫn đến những thay đổi về cấu trúc trong quá trình phát triển não bộ và làm chậm quá trình trưởng thành của não bộ".

Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, trong thời gian mang thai, không có bất kỳ số lượng sử dụng rượu hay bia nào được cho là an toàn thậm chí là uống vừa phải (một ly mỗi ngày) cũng có thể gây ra vấn đề về sức khỏe cho người mẹ và thai nhi.

Mặc dù việc sử dụng lượng rượu bia vừa phải không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như việc sử dụng quá nhiều (nghiện rượu), nhưng một số ảnh hưởng đến thai nhi có thể thấy đó là những em bé có mẹ uống rượu khi mang thai có khả năng gặp vấn đề với việc học tập như chứng khó đọc, khó diễn đạt, gặp khó khăn trong giao tiếp, khả năng tập trung, giải quyết thông tin kém, hoặc khó khăn trong việc xác định hậu quả của các lựa chọn.

Uống nhiều rượu bia là tình trạng sử dụng nhiều hơn 3 ly mỗi lần uống hoặc uống thường xuyên từ 7 lần trở lên trên một tuần. Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc uống nhiều rượu bia trong khi mang thai là gây ra nguy cơ mắc hội chứng suy thai do rượu ở thai nhi, hay còn gọi tắt là FAS. Nó có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho em bé, bao gồm: Các vấn đề về phát triển trí não; Chiều cao và cân nặng thấp hơn trung bình; Kích thước đầu nhỏ hơn bình thường; Đặc điểm khuôn mặt bất thường...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang