Cảnh báo xuất hiện nhiều chiêu thức lừa đảo mới của tội phạm mạng

author 05:27 19/07/2023

(VietQ.vn) - Bộ Công an vừa đưa ra cảnh báo, hiện nay tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi người dân không nên chủ quan.

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu, còn những mặt trái mà chúng ta không mong muốn là khoa học công nghệ bị lợi dụng sử dụng vào nhiều hoạt động phạm tội và được thế giới gọi chung là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là loại tội phạm mới, đang có xu hướng phát triển, diễn biến hết sức phức tạp, đa dạng và khó lường trên quy mô toàn cầu, là mối đe dọa to lớn đối với sự ổn định, phát triển của các quốc gia và được xác định là một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất của cộng đồng quốc tế.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng.

Bộ Công an cảnh báo tội phạm mạng dùng chiêu thức mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính 

Bộ Công an cho biết, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã xuất hiện tình trạng mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng nhằm lừa đảo và thu thập thông tin người dùng. Người dân cần nâng cao cách giác để bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của mình. 

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu xài, muốn được vay với số tiền lớn nhưng lại gặp khó do dính nợ xấu hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính. Từ đó, các đối tượng mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.

Các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng nghìn tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/ tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền...

Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD, ảnh chụp chân dung… phục vụ làm hồ sơ vay.

Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân…). Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.

Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, ví dụ như: đăng kí SIM không chính chủ, đăng kí mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…

Chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn mới

Theo thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 47 vụ án, 87 bị can liên quan đến các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng...

Hiện nay tội phạm mạng ngày càng gia tăng cần nâng cao cảnh giác. Ảnh: Phùng Hải

Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, mặc dù thủ đoạn không mới, đều diễn ra với cùng kịch bản, đó là sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông hoặc thiết bị số làm công cụ thực hiện hành vi phạm tội, song phương thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Các chiêu thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng hiện nay phải kể đến hành vi lập tài khoản mạo danh, chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội, mạo danh người thân mượn tiền giải quyết việc gấp; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan Nhà nước, nhân viên ngân hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông báo trúng thưởng lớn, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và tâm lý hám lợi của các cá nhân để chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, yêu cầu chuyển tiền; kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, tuyển cộng tác viên làm việc online …Hay gần đây nhất là thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tỉnh Đồng Nai tiếp nhận và xử lý 20 tin báo về tội phạm mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tại Đồng Nai, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý hơn 20 tin báo, tố giác liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng qua các thủ đoạn quảng cáo tuyển cộng tác viên bán hàng online, tuyển người mẫu ảnh, tuyển nhân viên thu âm sách, kêu gọi đầu tư chứng khoán, ngoại hối, mời cài đặt app… với tổng số tiền thiệt hại trên 40 tỷ đồng. Đã xác minh, khởi tố 12 vụ, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh theo thẩm quyền.

Công an tỉnh cho biết, với nhiều phương thức lừa đảo, bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng... Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền; yêu cầu cài đặt app qua đường link có chứa mã độc. Mặt khác, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Cần chủ động nâng cao ý thức trước tội phạm mạng

Theo Bộ Công an, do sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, mỗi người dân sử dụng mạng viễn thông, Internet cần tỉnh táo, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc bảo vệ các thông tin dữ liệu cá nhân. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác trong việc cung cấp các thông tin cá nhân cũng như việc xác thực con người trước khi thực hiện việc chuyển tiền bằng hình thức Internet banking; hậu quả, tác hại của việc bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng…

Các ngành chức năng khuyến cáo người dân nêu cao ý thức cảnh giác và thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không, 2 phải”. Trong đó, "4 không" là: Không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không làm; “2 phải” là phải thường xuyên cảnh giác; phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ. Nếu không may bị lừa đảo, đừng tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu dừng mọi giao dịch; thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú. Đặc biệt là đừng quên cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.

Chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.

Cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách: kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Nên tư vấn thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục vay.

Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…) khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng. Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ. Nhanh chóng trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang